An ninh nông thôn

Điện lưới thắp sáng bản làng, bình yên trải khắp vùng phên dậu

Bùi Ánh - Ngọc Linh - 08:21 05/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có địa hình phức tạp, dân cư phân bổ rải rác, không tập trung. Do đó việc “kéo” lưới điện quốc gia về trải khắp các bản làng được xem như kỳ tích, qua đó góp phần thay đổi toàn diện cuộc sống của người dân ở dải đất khó, trên hết là giữ vững an ninh vùng biên.

Điện về bản – an ninh vùng biên thêm vững chắc

Kỳ Sơn có khoảng cách địa lý xa nhất tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh trên 250km, nơi đây có 192km đường biên giới với nước bạn Lào. Từ thực tế đó thì việc mang điện lưới về thắp sáng bản làng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là yếu tố cốt lõi trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước nâng cao đời sống, dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như đảm bảo ổn định an ninh chính trị khu vực vùng biên.

Ông Chon Văn Quế - Trưởng bản Xa Vang (xã Tà Cạ) vui mừng khi lần đầu tiên có điện lưới kéo về tận thôn bản. Ảnh: Bùi Ánh

Đánh đổi những thành quả hết sức ngọt ngào là cả quá trình nỗ lực, cố gắng không ngơi nghỉ: “Quá trình đưa điện về các bản làng đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, phát sinh nhiều tiền của, công sức. Đây là điều dễ hiểu bởi Kỳ Sơn mang nhiều nét đặc thù, điều kiện địa hình, giao thông, khí hậu không mấy thuận lợi. Đồng bào nơi đây thường sống rải rác, một bản nhưng chia nhỏ thành nhiều cụm dân cư, có nhiều hộ sống cheo leo lưng chừng núi.

Có điện lưới, nhà nhà thêm sáng, tươi vui. Ảnh: Bùi Ánh

Để kéo điện về lắm lúc phải thi công xuyên rừng, xuyên núi, do đó phát sinh nhiều công đoạn, đây là thực tế tại các bản vùng sâu, vùng xa như Khe Linh, Huồi Phuôn, Huồi Xui của xã Keng Đu; Nọong Hán, xã Đoọc Mạy; Xám Xúm, xã Mường Lống... Chưa kể, nhiều điểm nằm ở độ cao 1.000 – 2.000m so với mực nước biển, nguồn nước khan hiếm bắt buộc anh em phải cất công gánh gồng, chở nước từ xa đến, hoặc lần mò đến tận suối để xách từng can một, có như thế mới đủ nước để trộn bê tông dựng trụ”, ông Bùi Mạnh Cường – Phó Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn trải lòng.

Khu vực biên giới giáp nước Lào trên địa bàn xã Cà Tạ nay không còn tối tăm như trước. Ảnh: Bùi Ánh

Mòn mỏi trong cảnh sống chậm, mải miết vắt qua bao thế hệ, mãi đến tháng 2/2024 bản làng Xa Vang, xã Cà Tạ mới chính thức được hòa điện lưới quốc gia. Bao năm chịu cảnh “lọ mọ”, nay tìm thấy “ánh sáng” khỏi nói bà con dân bản phấn chấn ra sao, sự hồ hởi, phấn khởi thể hiện rõ trên từng khuôn mặt, qua từng ánh nhìn, cử chỉ. 

Cán bộ ngành Điện đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn kéo điện lưới về với các bản vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Bùi Ánh

Trưởng bản Xa Vang, ông Chon Văn Quế (SN1967) nói hộ nỗi lòng của nhân dân: "Bà con dân bản hồ hởi lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương; cảm ơn cán bộ ngành Điện đã không quản ngại khó khăn, vất vả đưa điện lưới về với bản làng. Kể từ ngày có điện nhịp sống đã thay đổi hoàn toàn, người dân xác định rõ tư tưởng để an cư, lập nghiệp, điều này rất quan trọng khi toàn bản có 81 hộ với 442 nhân khẩu, phần nhiều sống giáp ranh giới với Lào, có nơi chỉ cách một lòng sông, do đó càng phải nêu cao ý thức về chủ quyền lãnh thổ, địa giới vùng biên".

Người đứng đầu huyện Kỳ Sơn, ông Vi Văn Hòe, Bí thư Huyện ủy khẳng định: "Dự án điện lưới quốc gia là nền tảng, bệ phóng giúp Kỳ Sơn từng bước vươn lên khỏi nghịch cảnh. Có thể nói, mơ ước của đồng bào bao đời nay đã thành sự thực". 

Bản làng “sáng” hơn từ ngày có điện

Em Moong Minh Huy học sinh lớp 6A Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Cạ phấn khởi khi có thêm thời gian học ở nhà nhờ ánh điện. Ảnh: Bùi Ánh

Từ khi điện về tới bản, việc học hành của con em vùng cao thuận tiện hơn nhiều, kết quả thực tiễn đã chứng minh điều đó. Em Moong Minh Huy, học sinh lớp 6A Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Cạ hớn hở khoe kết quả học tập: “Ra tết bản em khác lắm, điện chiếu sáng trải khắp từ ngoài đường vào tận trong nhà. Ngày trước chúng em chỉ học tối đa thời lượng trên trường, về nhà không thể ôn bài do thiếu điện ban đêm. Nay điện đêm sáng trưng, việc học cũng thuận lợi hơn nhiều, bằng chứng là kết quả trong học kỳ 2 của em vượt trội so với học kỳ 1".

Có điện việc nội trợ của người phụ nữ cũng trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Bùi Ánh

Chuyện tưởng như bịa như có thật 100%, chị Hoa Thị Sơm, SN 1993, người con của bản Xa Vang từng nhiều năm lăn lộn phương xa để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho gia đình. Năm 2020 do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng ngàn lao động tự do lâm vào cảnh mất việc, chị Sơm nằm trong số đó và buộc phải về lại cố hương. Hành trang mang theo bên mình chỉ lác đác vài vật dụng cá nhân đơn lẻ, thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc nồi cơm điện cáu cạnh mà thôi. Ấy thế mà từ bận đưa về đến nay số lần sử dụng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chung quy cũng chỉ vì thiếu điện:

“Có điện rồi cứ thế mang nồi ra nấu thôi, không còn cảnh phải đi lấy củi trong rừng về đun, nấu hàng ngày nữa. Bây giờ chỉ cần vò gạo, cho nước vào nồi rồi đi làm việc khác, đến giờ cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc cũng thấy vui rồi. Hạnh phúc đôi khi đến từ những điều giản đơn như thế", chị Sơm thật tâm chia sẻ.

Anh Hoa Văn Mạch ở bản Xúp Khăm xã Mường Típ cho rằng có điện sẽ tiết kiệm được chi phí. Ảnh: Bùi Ánh

Trong khi đó, anh Hoa Văn Mạch (1981) ở bản Xúp Khăm, xã Mường Típ vốn là tay chuyên dựng nhà cho người dân khắp vùng lại tỏ rõ niềm vui khi khối lượng công việc tăng lên mặc dù cùng thời gian làm kể từ khi có điện. Không những vậy, để hoàn thiện một căn nhà chi phí mua xăng, dầu để sử dụng các loại máy chuyên dùng đắt gấp đôi so với dùng điện. Anh cho biết: Từ ngày có điện, mỗi lần nhận việc làm ở nơi khác tôi chỉ cần mang máy móc đi và làm chứ không còn phải lỉnh kỉnh chở cả máy phát điện, đi mua xăng, mua dầu đến để làm. Mới chỉ thoáng qua như thế đã thấy khỏe lắm rồi chứ chưa nói đến công việc được giải quyết nhanh hơn”.

Một góc bản làng Xa Vang. Ảnh: Bùi Ánh

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia được thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2022-2023. Trong phạm vi của chủ trương lớn, tổng cộng 96 thôn, bản, cụm dân cư của 28 xã thuộc 4 huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong được thụ hưởng. 

Có điện diện mạo vùng cao Nghệ An đổi mới không ngừng, đời sống của đồng bào được nâng tầm thấy rõ, đói nghèo không còn đeo bám dai dẳng như xưa kia, khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược đã được thu hẹp đáng kể.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác