Điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động
Mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: “Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều nhất tại Kỳ họp này, 3 nhóm vấn đề Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: (1) Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; (2) Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; (3) Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Là người đầu tiên trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn Quốc hội, cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua, đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại Kỳ họp thứ 8. Đây là dịp để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó giúp NHNN hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Đề nghị làm rõ giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao. Đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn đối với vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương về trách nhiệm quản lý thị trường vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có cơ quan chủ trì thống nhất quản lý, và có các bộ ngành khác tích cực tham gia. Các nhiệm vụ này đã được quy định rõ trong văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ ngành không trùng lắp nhau về trách nhiệm, thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thị trường vàng, các Bộ, các ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ. Trong thời gian qua, NHNN đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an. Trước khi NHNN tổ chức can thiệp vàng, Ngân hàng đã họp, mời đại diện của các cơ quan, đặc biệt là Bộ Công an để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai để tránh các hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình can thiệp. Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Từ đó, NHNN tham mưu về chính sách quản lý thị trường vàng.
Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, NHNN đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013). Diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.
Cần một giải pháp cụ thể hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả cơn bão. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tình hình triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 143 của Chính phủ?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hải Dũng về thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tại Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó trình Chính phủ về phân loại tài sản có về rủi ro khi thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của bão lũ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 143 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo các thông tư hướng dẫn và xin ý kiến theo quy trình.
Xác định đây là một sự cố cấp thiết nên Ngân hàng Nhà nước cũng trình các cấp có thẩm quyền để xin ban hành theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, theo quy định, phần quyết định về phân loại trích lập dự phòng tự do đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, đồng thời với xây dựng dự thảo thông tư, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để sớm triển khai trong thực tiễn.
Cũng mang nhiều băn khoăn về vấn đề này, Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La) cho biết ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân mất hết tài sản. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng có giải pháp như nào để các tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục hồi, phát triển, sản xuất, kinh doanh?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi cơn bão số 3 xảy ra gây thiệt hại lớn, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và xác định được dư nợ, con số tương đối lớn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hoàn tất ban hành thông tư sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phân loại nợ, phân loại rủi ro đối với các khoản vay khi các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Về tài sản đảm bảo của các hộ dân không còn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khảo sát, phối hợp với từng xã, từng địa phương rà soát để quyết định cho vay; nếu không còn tài sản đảm bảo nhưng phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng vẫn cho vay theo hình thức tín chấp...
Vẫn tiếp tục về chủ đề này, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ những giải pháp cho các cá nhân, tổ chức tiếp tục vay vốn sau thiệt hại bởi thiên tai mà không còn tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm giải pháp để đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu về kiểm soát nợ xấu và việc tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn mà không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước có đề xuất giải pháp gì với Quốc hội và Chính phủ hay không?
Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, nhiều ĐBQH vẫn băn khoăn về cách quản lý thị trường vàng hiện nay tại Việt Nam. Có thể nói, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24 và thực tiễn thị trường vàng trong thời gian vừa qua, một số đại biểu đặt vấn đề hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng hay chưa? NHNN đã có nghiên cứu và dự kiến phát triển các hình thức giao dịch vàng phi vật chất, ví dụ như là sàn vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý vận hành, đảm bảo sự liên thông thị trường trong nước và quốc tế cũng như khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh tài sản khác, tránh việc vàng hóa thị trường thay cho đô la hóa trong thời gian vừa qua? Bên cạnh đó, Nghị quyết chất vấn của Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nội dung này như thế nào? Lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng..?
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
- Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón