Sửa đổi Luật điện lực để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Tập trung 6 nhóm chính sách lớn trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của UBTV Quốc hội đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực điện lực và đề nghị cần có các quy định, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành Điện lực nước ta.
Sửa đổi toàn diện đồng bộ các quy định của Luật Điện lực theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định đúng đắn; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Mặt khác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành Điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn bao gồm:
Một là, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước;
Hai là, phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới;
Ba là, hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Bốn là, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường;
Năm là, quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện;
Sáu là, an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều.
Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực), gộp 4 điều vào các điều khác (về nội dung chính sách phát triển, đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).
Bổ sung 68 điều về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi), năng lượng mới (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Sửa đổi Luật Điện lực cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giải bài toán làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển quốc gia
Chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn) về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt, kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện lớn, nhưng có những địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng diện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện. Vừa qua, đường dây 500 kV mạch 3 chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) được hoàn thành cũng nhằm giúp cân đối, điều hòa nguồn điện giữa các vùng.
Về vấn đề phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện gió, điện ngoài khơi, do vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong việc cung ứng đủ nguồn điện…
Nhấn mạnh tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.
Sau khi Trung ương có ý kiến về chủ trương đầu tư điện hạt nhân, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần đề cập đến nội dung này, trong đó tính toán đến công suất, vị trí, công nghệ như thế nào. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.
Trên cơ sở những định hướng lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
- Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD
- Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa
- Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW