Tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước
Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa và 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, trước yêu cầu của cuộc sống, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện nay là rất cần thiết để điều chỉnh bao quát những vấn đề mới như: Di sản tư liệu, di sản đô thị, di sản công nghiệp, di sản số, vai trò của di sản như nguồn lực, tài sản cho sự phát triển bền vững đất nước; thống nhất với những luật mới đã được ban hành nhưng có sự khác biệt, chưa phù hợp với Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)…
Cùng với đó, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II tại khoản 3 Điều 27; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo cấp độ di tích…
“Ngày 22/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã nhận được Công văn số 695/CP-PL của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra” - ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết.
Cần quan tâm hơn nữa tới di sản đô thị, những “bảo tàng sống”
Phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng dự thảo Luật cần chú ý nhiều hơn đến di sản đô thị và di sản công nghiệp, nhất là các đô thị như Hà Nội, nơi có các địa điểm đáng chú ý như: Làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ, Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Bởi lẽ, nếu chúng ta không cân bằng được bảo tồn và phát triển, làng cổ Đường Lâm sẽ trả lại danh hiệu, khu phố cổ sẽ không mong muốn được công nhận di sản…Vì vậy, cần có quy định riêng cho những di sản sống, để đặt con người vào trung tâm trong mọi kế hoạch bảo vệ di sản, từ đó đất nước mới phát triển bền vững được.
Theo đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam), đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam. Đây là "bảo tàng sống", có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An. Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Theo ĐBQH tỉnh Quảng Nam, lấy ví dụ như dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ, đại biểu cho rằng Dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích.
Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều chủ di tích cổ tại Đường Lâm xin trả lại danh hiệu, bởi lẽ, những căn nhà cổ vài trăm năm tuổi xuống cấp nghiêm trọng, hàng chục thế hệ sau phải sinh sống trong điều kiện sinh hoạt khó khăn về vệ sinh, điện nước. Tuy nhiên, các chủ di tích cổ khi muốn sửa chữa để an toàn, thuận tiện cho sinh hoạt thì không thể, dù chỉ là thay viên ngói hay chiếc cột, cái rui mè đã mục nát.
Chia sẻ sự băn khoăn và lo lắng khi nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đang bị mai một theo thời gian, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng làm rõ khái niệm “Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
“Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật đã quy định rõ vấn đề này tại Điều 5” - đại biểu Thạch Phước Bình nêu ý kiến. Nhưng theo vị đại biểu này, cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.
Tán thành ý kiến của ĐBQH Thạch Phước Bình, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bổ sung thêm cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói và chữ viết. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, đại diện cơ quan thẩm tra đã phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa./.
- Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD
- Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa
- Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW