Chỉ thị 37 của Ban Bí thư: Đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những chuyển biến tích cực
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó con số này của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước.
Theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, giảm 118,9 nghìn người, tương ứng giảm 0,9% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, tăng 248,2 nghìn người, tương ứng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ với 20,3 triệu người, tăng 553,6 nghìn người, tương ứng tăng 2,8% và duy trì mức tăng cao nhất so với hai khu vực còn lại.
Biểu đồ của Tổng cục thống kê về Tăng/giảm tỷ trọng lao động có việc làm trong các khu vực kinh tế, giai đoạn 2020-2023 (điểm phần trăm)
Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, việc thực hiện Đề án đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả đã được triển khai nhân rộng, như: Dạy nghề nông nghiệp vùng chuyên canh, chuyên con; áp dụng phương thức dạy nghề tại chỗ, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề đối với người trung tuổi, gắn với tổ chức việc làm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ theo vị trí việc làm trong doanh nghiệp cho người trẻ tuổi; dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ, gắn với việc hình thành các tổ đoàn kết, nghiệp đoàn của ngư dân… Trên cơ sở đó, quy trình quản lý, chỉ đạo, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được hoàn thiện, có hiệu quả cao hơn. Những kết quả nói trên cho thấy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 14 năm qua về cơ bản là đúng hướng. Những kết quả đạt được đã tạo cơ sở để nâng số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới.
Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Đề án 1956 còn gặp một số khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Việc triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường. Tại một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra, tạo nên hiệu quả dạy nghề cho nông dân chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phố biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức...
Trong hoàn cảnh này, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư mới đây là một nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đưa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chỉ thị 37 yêu cầu chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Ban Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ban Bí thư yêu cầu bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chú trọng công tác giới thiệu việc làm sau học nghề. Đây là một mảng công tác quan trọng, bởi lẽ nếu chỉ chú trọng đào tạo (đầu vào) mà không giúp đường lao động việc làm (đầu ra) thì mọi nỗ lực chỉ là số không.
Chỉ thị 37 cũng yêu cầu thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn...