Nông nghiệp

Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An: Nhìn lại một nhiệm kỳ

Bùi Ánh - 07:32 26/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đại hội đại biểu Hội làm vườn tỉnh Nghệ An lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 sẽ được tổ chức vào ngày 28/6/2024. Nhiệm kỳ qua, Hội làm vườn tỉnh đã không ngừng sáng tạo, thích ứng, linh hoạt trong điều kiện mới, chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể.

Chú trọng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC

Có thể nói, thời gian qua hội viên trên toàn tỉnh luôn nỗ lực cải tạo vườn tạp, ao hoang, xây dựng  mô hình VAC và đưa các giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo nền vùng hàng hóa có tính liên kết bền vững giữa các vùng.

Hội làm vườn tỉnh kết nối doanh nghiệp cung ứng chế phẩm sinh học ANISAF 

Đặc biệt ở lĩnh vực xây dựng các mô hình công nghệ cao về nhà lưới, ứng dụng khoa học kỹ thuật – khoa học công nghệ, các thiết bị thông minh vào xây dựng được 46 mô hình nhà lưới công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; 1.520 mô hình chăn nuôi chạch sụn, lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba,... trong bể xi măng và bể bạt; 640 mô hình nuôi dúi, nuôi côn trùng, nuôi gà trĩ, nuôi thỏ, chồn hương,...

Song song với đó, các mô hình VACR cũng được xây dựng dựa trên thực trạng, tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm hướng đến tính hiệu quả, thuận lợi cho hội viên tham gia xây dựng mô hình. Ở lĩnh vực này, ngoài ứng dụng CNC vào sản xuất, HLV còn ưu tiên xây dựng mô hình hữu cơ tuần hoàn với các loại hình giống mới, năng suất hơn, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư ản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Thắng (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An hướng dẫn cách chăm sóc cây hoa lan cho chủ vườn tại huyện Yên Thành

Những nỗ lực không ngưng nghỉ của HLV tỉnh Nghệ An đã được hái quả ngọt sau một nhiệm kỳ (2018 – 2023) đến nay đã xây dựng được 508 trang trại phát triển kinh tế VAC, VACR có hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình trang trại VAC của anh Quảng ở Nghi Phú, TP Vinh, nuôi cá, cây cảnh, trị giá tài sản hơn 50 tỷ đồng; Trang trại 2,5 ha, nuôi cá rô phi đơn tính, lợn, gà, của anh Phạm Trọng Bằng, ở xã Tân Phú, Tân Kỳ, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/1 năm; Trang trại nuôi ốc bươu đen của anh Trần Quý Bảo, xã Đức Thành, Yên Thành, với 20 ngàn mét vuông, nuôi ốc bươu đen, cua đồng thương phẩm cho thu nhập 600 triệu đồng, nay sản phẩm ốc bươu đen đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao,...

Song song với đó, nhiệm kỳ qua, Hội Làm vườn Nghệ An đã xây dựng và thực hiện được 2.749 mô hình, dự án.  Kết nối được 72 tổ chức, doanh nghiệp về hỗ trợ dự án, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng kết hợp với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nghề vườn, cung cấp cây, con giống và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho hội viên.

Sau khi sản xuất ra các sản phẩm từ nông nghiệp, Hội Làm vườn Nghệ An khuyến khích hội viên thành lập tổ hợp tác, HTX, HTX kiểu mới, doanh nghiệp, để chế biến sâu, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, phục vụ đến tay người tiêu dùng, vừa giảm giá thành vừa đảm bảo chất lượng, khai thác các dịch vụ du lịch canh nông, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch cộng đồng homestay, phát huy cung cấp tối đa các sản vật nông nghiệp tại địa phương.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội

Bên cạnh tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, bền vững, tích hợp đa giá trị…Trong số đó, phải đến Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV, ngày 9/10/2023 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Làm vườn Việt Nam, giai đoạn 2023 -2030 với nhiều định hướng và những yêu cầu mới đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao năng lực của Hội trên cả nước và Hội làm vườn tỉnh Nghệ An cũng không ngoại lệ.

Chất lượng hội viên không ngừng được nâng cao qua công tác tập huấn với nhiều nội dung được đề cập.

Công tác phát triển tổ chức Hội, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt được kiện toàn, bổ sung. Đến nay hầu hết các cấp Hội, huyện, thành phố, thị xã đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để hoạt động, riêng tỉnh Hội được giao 2 định biên, điều đó thể hiện rõ vai trò quan trọng của Hội ở việc đóng góp chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được Đảng, Chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Hội từ tỉnh xuống cơ sở, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đầu kỳ Đại hội có hơn 61 nghìn hội viên và đến cuối nhiệm kỳ con số đã tăng vọt lên tới gần 240 nghìn. Với 17/21 huyện, thành phố, thị xã; 298 xã, phường, thị trấn, có tổ chức Hội; 1.077 chi hội xóm, thôn, bản.

Song song với việc phát triển về lượng thì chất lượng hội viên cũng không ngừng được nâng cao, hàng năm hội viên được tập huấn về công tác hội, phương pháp xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất, chế biến và tham quan mô hình,...

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết trong chế biến giúp nâng cao hiệu quả kinh tế

Xâu chuỗi các hoạt động của Hội có thể thấy rõ, các phong trào thi đua do Hội phát động đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó, tập trung vào 03 phong trào: “Thi đua làm VAC-trang trại giỏi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, “Hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Để tiếp tục đổi mới, lớn mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Hội đã có nhiều sáng tạo trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đặc biệt, các hoạt động của Hội chuyển từ vận động phong trào theo chiều rộng, giàn trải chuyển sang chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm như: Từ mục tiêu cải tạo vườn tạp thành vườn chuẩn nông thôn mới, vườn VAC tổng hợp thiên về xây dựng chuỗi tuần hoàn, chuỗi giá trị, tạo nên sản phẩm an toàn, sạch, cho chất lượng cao, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, làm giàu, cùng địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới....”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác