Thông tin từ cơ sở

Đồng Nai: Sở NN & PTNT tổ chức Hội nghị về An toàn thực phẩm

Tú San - 13:08 11/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 9/5/2024 tại hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển thị trường nông – lâm – thủy sản năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Đánh giá công tác kiểm tra ATTP trong năm 2023

Trong những năm qua, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng như UBND tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đã góp phần tích cực giúp ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Năm 2023 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung lực lượng, triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản và đã đạt được những kết quả khả quan.

Đại diện Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm năm 2023 - Ảnh TS

Kết quả thực hiện năm 2023: Tổng số mẫu đã giám sát 962 mẫu, trong đó có 651 mẫu sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 288 mẫu sản phẩm có nguồn gốc động vật và 23 mẫu nguồn gốc thủy sản. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện 9/651 (chiếm 1,38%) mẫu sản phẩm thực vật vượt giới hạn cho phép về thuốc bảo vệ thực vật, còn các mẫu sản phẩm động vật và thủy sản đều không phát hiện chỉ tiêu phân tích. Đối với các mẫu không đạt, các đơn vị giám sát đã có văn bản thông báo về thông báo kết quả lấy mẫu và yêu cầu cơ sở được giám sát truy xuất mẫu không đảm bảo an toàn.

Các đại biểu là doanh nghiệp nêu những ý kiến đóng góp tại hội nghị - Ảnh TS

Cũng trong năm qua, toàn tỉnh đã cấp 775 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có hơn 24,6 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm – thủy sản ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, 25.082 cơ sở được kiểm tra sau ký cam kết…. Kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức của người dân, doanh nghiệp về ATTP được nâng cao.

Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất

Trong năm 2023, Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai đã thẩm định và xác nhận sản phẩm đối với 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (nhóm ngành động vật). Tính lũy kế đến nay đã thực hiện được 50 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn với 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, thịt ngan, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 27,2 ha của 07 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và nông dân được chứng nhận sản xuất hữu cơ.

Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã mời các cơ quan báo chí truyền thông tham gia hội nghị lần này - Ảnh TS

Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới phát triển theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh có 2.785,29ha cây trồng đạt chứng nhận VietGap, trong đó chăn nuôi có 126 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP (71 trang trại nuôi heo; 54 trang trại nuôi gà và 01 trang trại nuôi vịt) với sản lượng được chứng nhận VietGAP lần lượt là 91.740 tấn thịt heo và 32.248 tấn thịt gà, 283.165.728 quả trứng và nuôi trồng thủy sản có 14 vùng nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP, với quy mô 410,75 ha, tổng sản lượng 15.282 tấn cá, tôm/năm.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Theo đánh giá tổng kết các mục tiêu năm 2023 đã đạt được, Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai đã đặt nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2024, cụ thể ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình giám sát an toàn thực phẩm giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm. Đồng thời cần phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Bên cạnh đó cũng cần gia tăng số lượng, quy mô sản xuất an toàn, bền vững, nhất là nhân rộng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác