Để sản phẩm OCOP lên kệ siêu thị bền vững - Con đường còn xa
Theo một nghiên cứu dược công bố mới đây của Công ty Mordor Intelligence (Ấn Độ), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 246,65 tỷ USD năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR (CAGR (Compound Annual Growth rate - tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 12.05% trong giai đoạn dự báo (2023-2028).
Trong khi tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 được cảm nhận trên toàn cầu, việc kiểm soát hiệu quả đại dịch của Việt Nam đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong những năm gần đây. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ toàn cầu bị sụt giảm doanh thu trong đại dịch thì tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Việt Nam rất lạc quan. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, các nhà bán lẻ, TTTM đưa ra các chương trình xúc tiến bán hàng để kích cầu tiêu dùng nội địa thì con số tăng trưởng có thể đạt tới gần 14%. .
Người tiêu dùng khi đi vào siêu thị, đặc biệt các hệ thống siêu thị lớn như Mega, BigC … có thể bị choáng ngợp trước sự đa dạng về chủng loại trong cùng một nhóm hàng. Ví dụ, riêng về các sản phẩm mỳ ăn liền, Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước với hàng trăm sản phẩm, chưa kể hàng chục sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Hay như riêng thị trường nước mắm đã có hàng trăm nhãn hàng với hơn 100 công ty sản xuất nước mắm.
Vậy, sản phẩm OCOP của Việt Nam sẽ hiện diện ở đâu trong “khu rừng” sản phẩm trên giá kệ siêu thị đa dạng này? Câu trả lời thật sự rất bi quan khi nhiều sản phẩm Việt Nam rất chất lượng nhưng không thể tồn tại lâu trên giá kệ siêu thị dù có sự hỗ trợ rất lớn từ phía các cơ quan chức năng cũng như các Hiệp hội.
Có thể đưa ra vài vấn đề để các doanh nghiệp OCOP Việt Nam tham khảo, rút kinh nghiệm cho hành trình đưa sản phẩm OCOP Việt Nam lên quầy kệ siêu thị:
Một là: Các Công ty kinh doanh hệ thống siêu thị lớn như Sài Gòn Co. Op, Central Group, AEON group, Vin Group và Lotte Mart … là những nhà tư bản kinh doanh, không phải là những nhà từ thiện. Mỗi một giá kệ hàng đều mang lại tiền cho họ, hàng ngày. Một sản phẩm nếu cứ chiếm một khu vực trên kệ mà ngày qua ngày không thể bán cho khách thì chắc chắn sẽ bị loại bỏ dù họ có muốn hỗ trợ sản phẩm này đến đâu. Câu chuyện năm 2020 về một sản phẩm hạt điều rất nổi tiếng đã thất bại tại hệ thống siêu thị AEON là một ví dụ. Đầu năm 2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM đã làm việc với hệ thống siêu thị AEON, giới thiệu, sản phẩm của một Công ty sản xuất hạt điều lớn của Việt Nam tham gia tuần lễ trưng bày và bán sản phẩm tại siêu thị Aeon. Sau một tuần, các sản phẩm này đều biến mất khỏi các kệ hàng ở đây do sức mua của người tiêu dùng chậm.
Sản phẩm OCOP của Việt Nam sẽ hiện diện ở đâu trong “khu rừng” sản phẩm trên giá kệ siêu thị đa dạng này?
Hai là: Vẫn là câu chuyện vốn đầu tư, nếu muốn vào siêu thị, bên cạnh yếu tố chất lượng sản phẩm, thì đòi hỏi chủ thể phải có một lượng vốn rất lớn. Bản chất của các Công ty kinh doanh siêu thị là đầu tư tiền thuê mặt bằng, nhân công … còn hàng hóa là mượn vốn người khác thông qua chế độ thanh toán “gối đầu” theo chu kỳ. Sản phẩm càng đắt tiền, số lượng hàng bán càng lớn thì nguồn vốn bị “kẹt” tại các siêu thị càng nhiều. Lấy ví dụ, một sản phẩm OCOP có giá 50.000 đồng được người tiêu dùng đón nhận, bán ở siêu thị 10.000 sản phẩm/tháng như vậy, số vốn bị siêu thị giữ lại để “gối đầu” là 500 triệu đồng. Và nếu mặt hàng vào tất cả các siêu thị của hệ thống thì nó sẽ là một con số rất lớn cho một chủ thể OCOP. Cuộc chơi quá sức này không thể giành cho các chủ thể OCOP có sản phẩm tốt, giàu tham vọng nhưng không có kênh huy động vốn đầu tư.
Những tiêu chí của Hệ thống siêu thị đưa ra nhiều khi vượt quá xa so với khả năng đáp ứng của chủ thế OCOP.
Ba là: Hàng hóa bán ở siêu thị đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, hình ảnh mẫu mã, bao bì cùng các giấy tờ liên quan về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, chỉ dẫn địa lý … Trong đó, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP ở cấp độ tỉnh, trung ương cho từng sản phẩm chỉ là một trong số các yêu cầu mà thôi.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị còn đòi hỏi nhiều tiêu chí như độ đồng đều, chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, phải được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ … Ví dụ, sản phẩm “Rau muống tiến vua” của HTX X được một hệ thống siêu thị rất thích và chủ động muốn chủ thể này cung cấp rau cho họ. Tuy nhiên, câu chuyện hợp tác không thành công dù rằng cả hai đều cần nhau. Lý do là các tiêu chí của nhà phân phối quá cao so với chủ thể. Hệ thống siêu thị này muốn chủ thể phải chứng minh năng lực sản xuất, có thể cung cấp đủ 500 kg rau/ngày cho 10 siêu thị, tất cả phải đóng gói đúng quy cách, đều, mẫu mã bao bì đẹp, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Không những thế, chủ thể phải cam kết cung cấp đủ 365 ngày/năm, Tết phải tăng số lượng cung cấp và chấp nhận chế độ “gối đầu” thanh toán 30 ngày/ lần. Những tiêu chí của hệ thống siêu thị đưa ra vượt quá xa so với khả năng đáp ứng của chủ thế.
Rõ ràng, thực tế giữa nhà sản xuất và nhà phân phối hiện nay còn quá nhiều vướng mắc, phía nhà sản xuất không biết bắt đầu từ đâu, còn nhà phân phối đưa ra quá nhiều tiêu chí mà đều là những tiêu chí bắt buộc.
Bốn là: Mẫu mã sản phẩm là một trong những tiêu chí rất quan trọng nếu các sản phẩm OCOP muốn tiến ra “biển lớn”. Khi sản phẩm bắt đầu đi ra thị trường, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc với khách hàng. Khi người tiêu dùng lần đầu tiên tiếp cận với một sản phẩm mới thì bao bì sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để truyền tải tất cả những ưu điểm, thông điệp của chủ thể gửi gắm trong đó. Từ đó, giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường, gia tăng giá trị.
Hiên nay, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa được chủ thể chú trọng đầu tư nhiều về hình ảnh thương hiệu (nhận diện bao bì không bắt mắt khi trưng bày trên cùng 1 quầy kệ với các mặt hàng khác; công tác hậu mãi chưa đạt yêu cầu). Cần lưu ý là bao bì đóng vai trò hết sức quan trọng đối với bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP. Do đó, đầu tư bao bì chính là cách hữu hiệu để mở nút thắt cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trong tiếp cận thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Mẫu mã sản phẩm là một trong những tiêu chí rất quan trọng nếu các sản phẩm OCOP muốn tiến ra “biển lớn”
Bởi lẽ, đối với các sản phẩm nông sản nói riêng, không chỉ là công cụ để bảo quản sản phẩm, bao bì là kênh truyền thông rất hiệu quả để truyền tải thông tin của sản phẩm, thu hút khách hàng, quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng. Việc thay đổi nhận thức về bao bì sản phẩm vô cùng quan trọng, góp phần kiến tạo hệ sinh thái, xây dựng ngành công nghiệp bao bì dành riêng cho phân khúc sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Rõ ràng, tạo ra một sản phẩm OCOP tốt là chưa đủ, phải làm sao để sản phẩm đó thực sự mang lại lợi ích cho chủ thể, góp phần cải thiện đời sống kinh tế vùng nông thôn, để mỗi sản phẩm OCOP góp quảng bá hình ảnh văn hóa của từng vùng đất, con người Việt Nam giàu và đẹp.
“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”