Giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 15 năm qua
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo đồ từ các nhà xuất khẩu hàng đầu đã tăng trong tuần này do nguồn cung hạn chế, đẩy giá gạo Việt Nam lên mức cao nhất trong hơn 15 năm và giá gạo của Ấn Độ lên mức cao nhất trong hai tháng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 660-665 USD/tấn trong phiên 21/12, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2008, so với mức 655-660 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung khan hiếm đã khiến giá gạo tăng cao.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đi lên cùng với xu hướng tăng tại các nước xuất khẩu gạo khác và những lo ngại về sản lượng.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 505-512 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất trong hai tháng, tăng so với mức 499-506 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu ở thành phố phía Đông Kolkata cho biết do khoảng cách ngày càng lớn giữa giá gạo Ấn Độ và giá gạo của các nước khác, các khách hàng hiện sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn.
Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm nay, lần đầu tiên sau 8 năm, khiến nhiều khả năng New Delhi sẽ gia hạn hạn chế xuất khẩu để giữ giá ở mức thấp trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2024.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023, ở mức 646-650 USD/tấn, so với mức 640 USD/tấn trong tuần trước.
Các nhà giao dịch cho biết mức tăng này là nhờ lượng đơn đặt hàng lớn từ Philippines trong tuần này.
Ngày 18/12, Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết Indonesia đã thông báo với Chính phủ Thái Lan về ý định mua hai triệu tấn ngũ cốc.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều tăng trong phiên ngày 22/12, dẫn đầu là lúa mỳ.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2024 tăng 0,5 xu (0,11%) lên 4,73 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 3,75 xu (0,61%) lên 6,1625 USD/bushel.
Còn giá đậu tương giao tháng 3/2024 tăng 4,5 xu (0,35%) lên 13,0625 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Năm 2024 sẽ không ổn định khi các rủi ro địa chính trị xuất hiện trong năm 2023 sẽ kéo dài sang năm 2024 và ngày càng gia tăng.
Như vậy, các nước có sản lượng ngũ cốc dồi dào để tăng cường bổ sung cho kho dự trữ chiến lược để phòng trừ những trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng.
Khu vực miền bắc và miền nam Brazil sẽ có mưa rải rác cho đến ngày 24/12. Khả năng mưa sẽ giảm dần vào tuần tới. Nhiệt độ ở Brazil luôn ở mức bằng hoặc trên mức trung bình.
Thị trường càphê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều giảm.
Giá càphê Robusta giao tháng 3/2024 giảm 127 USD xuống 2.837 USD/tấn và giá càphê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 104 USD xuống 2.766 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng giảm.
Giá càphê Arabica giao tháng 3/2024 giảm 0,8 xu, xuống 192,80 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 0,85 xu xuống 190,25 xu/lb (1 lb = 0,4535kg). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.900-2.000 đồng, xuống dao động trong khung 67.000-68.000 đồng/kg. Giá càphê tươi giao dịch quanh mức 15.000 đồng/kg.
Giá càphê Robusta đảo chiều giảm mạnh ngay trong ngày thông báo đầu tiên khi các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý để phòng tránh rủi ro trước kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh cuối tuần kéo dài.
Dòng vốn đầu cơ dịch chuyển về các tài sản trú ẩn đã đẩy giá vàng tăng vọt. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2024 do các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ tỏ ra vững chắc, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tốt hơn mong đợi, chỉ số đồng USD tiếp tục có xu hướng xuống mức thấp hơn.
Báo cáo bán niên định kỳ của Bộ phận nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng của một số quốc gia sản xuất cà phê Arabica chính trên thế giới như Brazil, Colombia, Ethiopia đã dẫn đến sản lượng càphê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 4,19% so với dự báo trước, lên ở mức 171,40 triệu bao.
Con số này sẽ bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Indonesia, quốc gia chủ yếu sản xuất Robusta chính ở khu vực Đông Nam Á sẽ giảm 2,15 triệu bao, tức giảm 18,14% so với niên vụ trước, xuống chỉ đạt 9,7 triệu bao trong niên vụ hiện tại.
FAS cũng điều chỉnh sản lượng của Việt Nam trong niên vụ hiện tại 2023-2024 sẽ đạt 27,50 triệu bao, tăng 1,10%, so với niên vụ trước, trong đó có 26,62 triệu bao càphê Robusta, tăng 1,22% và 880.000 bao càphê Arabica, giảm 11,11% so với niên vụ càphê trước đó, nhưng lại giảm 3,8 triệu bao so với ước tính trước đó.
Ngoài ra, FAS còn dự đoán tồn kho càphê mang sang từ niên vụ 2022-2023 chỉ khoảng 339.000 bao càphê, do nguồn cung của niên vụ hạn chế./.
Theo TTXVN/Vietnam+