Thị trường

Thị trường cà phê hạt: Cơ hội kết nối người nông dân

Nguyên Đức - 07:09 19/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Làm sao để có được những thành phẩm “cà phê đặc sản”, là câu hỏi luôn đặt ra với các đơn vị kinh doanh, chế biến cà phê, nhất là khi trào lưu tiêu dùng cà phê chất lượng cao ngày một phát triển tại thị trường nội địa. Lời giải đáp rốt cuộc quy về chính quá trình canh tác sản xuất của nông dân, mấu chốt cần kết nối hợp tác của các doanh nghiệp.

Đại diện một đơn vị kinh doanh cà phê ở quận 3 TP. Hồ Chí Minh (HCM) chia sẻ, nhiều năm qua, nói đến cà phê Tây Nguyên, giới kinh doanh chỉ nghĩ đến những đơn hàng xuất khẩu. Nhưng gần đây, với trào lưu cà phê rang xay bùng phát, yêu cầu chất lượng ở những ly cà phê cho người tiêu dùng trong nước được đặt ra, chuỗi cung ứng cà phê hạt đã buộc phải thay đổi…
Trăn trở hương vị café…
Lê Tuấn Hưng, một thành viên Việt Nam Coffee Event cho biết, trong 3 năm qua, các nhóm kinh doanh chế biến cà phê trẻ tuổi trong nước, tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá cà phê chất lượng cao với người tiêu dùng trong nước. Nhiều giải đấu, cuộc thi đã được tổ chức, thu hút nhiều đơn vị kinh doanh, rang xay cà phê cũng như các bạn trẻ theo nghề pha chế cà phê tham gia, hình thành những sân chơi tìm kiếm các dòng sản phẩm cà phê mới mẻ. Cá nhân Lê Tuấn Hưng cũng xác định mình là một trong số ít người trực tiếp tham gia tư vấn, đào tạo về pha chế, chế biến cà phê, tìm tòi những sản phẩm cà phê mới, phục vụ đa dạng nhu cầu thưởng thức cà phê độc đáo của các bạn trẻ, cũng như hòa nhập vào xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới.
“Nếu trước đây, các thế hệ người dùng cà phê chỉ biết đến những ly cà phê pha phin truyền thống tại Việt Nam, thì giới tiêu dùng trẻ đang tiếp cận những loại cà phê mới trên thế giới, muốn thưởng thức những dòng cà phê mới, chất lượng hơn”, Lê Tuấn Hưng nhìn nhận như vậy. 

Cà phê muối, dòng sản phẩm cà phê mới của giới trẻ hiện nay.

Theo Hưng, đơn giản gần đây, người tiêu dùng trong nước quen dần với cà phê pha máy, sử dụng cà phê “trộn” giữa cách “kho cà phê” truyền thống với phin cà phê đặc biệt, tạo ra những loại thức uống mới như cà phê dừa, cà phê trứng, cà phê muối, hay mới nhất là cà phê mắm ở Đà Nẵng… 
Tương tự các loại trà sữa, kiểu “thưởng thức” trà rất riêng ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, các loại cà phê mới, lan tỏa từ châu Âu, châu Phi, dung hợp với xu hướng tìm kiếm những hương vị, chất lượng cà phê khác biệt hơn ở giới tiêu dùng trẻ tuổi đang ngày càng trở thành đề tài hấp dẫn của các đơn vị kinh doanh cà phê trong nước. Ngay một số đơn vị chuyên xuất khẩu cà phê lớn, cũng bắt đầu thành lập mảng cà phê nội địa, tập hợp những chuyên gia nghiên cứu kỹ hơn về chất lượng, hương liệu café, nỗ lực xây dựng những chuẩn cà phê mới.
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Fine Robusta Việt Nam (Đắk Nông) cùng một số doanh nghiệp cà phê hàng đầu công bố cuộc thi Cafe Nhân Xanh khu vực Đông Nam Á 2024, mời gọi các đơn vị sản xuất cà phê tham gia, để chọn ra những loại cà phê sản xuất, canh tác hữu cơ chất lượng cao, giới thiệu ra thị trường quốc tế và định vị giá trị với người tiêu dùng trong nước. Các dòng cà phê hạt Robusta và Arabica chất lượng ở Tây Nguyên sẽ là đối tượng đáng quan tâm tại cuộc thi này. Các địa chỉ sản xuất được vinh danh ở cuộc thi sẽ có cơ hội thu hút sự quan tâm của các nhà nhập khẩu cà phê bên ngoài.
Cơ hội kết nối người nông dân
Một đại diện thành viên tổ chức cuộc thi Cà phê Nhãn Xanh khu vực Đông Nam Á, cũng như Lê Tuấn Hưng, cùng có chung một nhận định: Ly cà phê dù rang xay, pha chế kiểu gì, muốn có hương vị hấp dẫn cũng phải đi từ hạt cà phê nhân chất lượng. Điều đó có nghĩa, quá trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản của người nông dân chuyên canh cà phê sẽ quyết định chất lượng cà phê thị trường.
Đây không phải điều mới mẻ với giới kinh doanh cà phê, nhưng lại là vấn đề cốt lõi buộc các đơn vị sản xuất, chế biến cà phê nghiêm túc xem xét lại quan hệ kết nối làm ăn với người nông dân. Một thực tế “không ai nói đến” lâu nay, là việc canh tác cà phê của người nông dân, đặc biệt tại vùng Tây Nguyên, hoàn toàn do chính người nông dân dựa vào kinh nghiệm truyền thống, kiến thức bản địa để triển khai. Những mấu chốt quan trọng như giống cà phê mới, những kiến thức kỹ thuật mới trong chăm sóc canh tác cà phê, phương thức thu hoạch bảo quản đảm bảo chất lượng cà phê tốt hơn… đều chưa thật sự đi vào đời sống canh tác của họ. Điều này làm giới hạn phần nào chất lượng cà phê xuất khẩu lâu nay, cũng như đã làm hạn chế chất lượng ly cà phê tiêu dùng nội địa.

Một cuộc thi pha chế cà phê của các bạn trẻ ở TP.HCM
“Cần thay đổi cách thức làm cà phê lâu nay, thay đổi chất lượng thị trường cà phê từ quan hệ hợp tác canh tác với người nông dân”. Lê Tuấn Hưng nhìn nhận như vậy. Đại diện doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở quận 3 TP.HCM cũng nhìn nhận, hạt cà phê có được từ những phương thức canh tác truyền thống không hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu tìm kiếm hương vị mới, tạo ra những dòng sản phẩm cà phê mới phục vụ thị trường. Sự thật từ năm 2023, một số đơn vị làm cà phê trong nước đã phải nhập khẩu cà phê hạt từ châu Phi, bởi không an tâm về chất lượng hạt cà phê trong nước. Hiện nay, thị trường cà phê lên giá, nhiều nông dân vội vàng thu hoạch sớm, không đảm bảo thời gian canh tác cà phê đúng kỹ thuật, đã khiến cà phê thu hoạch được có chất lượng càng không ổn định.
Do đó, theo các đơn vị kinh doanh cà phê, đã đến lúc, vai trò nông dân trong vấn đề cấu trúc lại chất lượng hạt cà phê, dù để xuất khẩu hay cung ứng nội địa, cũng cần phải được xem xét lại. Các hiệp hội cà phê trong nước, tại các tỉnh, thành, các tổ chức Hội Nông dân địa phương, cụ thể ở vùng Tây Nguyên, cần chú ý lại vấn đề kết nối nông dân với các doanh nghiệp, từ đó có các hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm, tổ chức canh tác trách nhiệm và hiệu quả hơn, không chỉ hứa hẹn đem lại cơ hội cải thiện đời sống nông dân mà còn mở ra cơ hội thu hoạch những dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Có thể nói, nông dân canh tác cà phê hiện đại cần được hỗ trợ rất nhiều, từ kỹ năng canh tác mới, quy trình quản lý sản xuất, đến việc cung ứng những loại giống mới, chất lượng cây giống tiêu chuẩn, thực hành các quy cách trồng hiệu quả hơn, hướng đến tiêu chuẩn xanh, hữu cơ bền vững… Rồi kiến thức thu hoạch, cách thức bảo quản, các phương tiện, vật tư bảo quản hạt cà phê ra sao?… Tất cả là một vấn đề lớn, buộc nông dân phải được kết nối, nhận hỗ trợ tương tác từ các doanh nghiệp, để có thể thu được những vụ mùa cà phê chất lượng, từ đó thay đổi hẳn, làm tốt hơn thị trường xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác