Giá gạo xuất khẩu tăng sau thông tin Indonesia mua thêm dự trữ
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: OM 18, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.900 - 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 8.200 - 8.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, riêng IR từ 7.900 - 8.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang khô ổn định ở mức từ 9.000 - 9.200 đồng/kg, nếp Long An khô dao động 9.200 - 9.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 - 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg…
Thống từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 605,4 nghìn tấn gạo, thu về 377,9 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% về lượng nhưng lại tăng mạnh 37,3% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 166 nghìn tấn gạo sang thị trường Indonesia, đạt 101,4 triệu USD, gấp 53 lần so với tháng 9/2022. Trong khi, giá trị xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc lần lượt là 62,7 triệu USD và 43,7 triệu USD. Như vậy, Indonesia chính thức vượt qua Philippines và Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 9 vừa qua.
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá.
Mới đây. Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi tuyên bố xác nhận trước báo giới Indonesia Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, để tận dụng tối đa cơ hội này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý hướng dẫn của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia. Cụ thể, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường; đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch.
Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 615 - 625 USD/tấn, tăng từ mức 610 - 620 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tăng sau khi Indonesia thông báo sẽ mua nhiều hơn trong năm nay, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu đang giảm dần.
Cũng trong xu hướng tăng, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ mức 585 USD/tấn của tuần trước lên khoảng 580 - 600 USD/tấn. Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá gạo tăng vì giá trong nước tăng và đồng baht mạnh lên. Thương nhân này cho hay lúa đã được thu hoạch hết, trong khi nhu cầu đang gia tăng từ châu Phi và châu Á.
Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã kéo dài đà giảm trong tuần này, khi người mua có ý trì hoãn trước sự bất ổn liên quan đến một loại thuế xuất khẩu sẽ hết hạn cuối tuần này.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá từ 515 - 525 USD/tấn, giảm so với khoảng từ 520 - 530 USD/tấn trong tuần trước.
Tháng 8 vừa qua, Ấn Độ đã áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, với thời hạn hiệu lực đến ngày 15/10. Một thương nhân tại Mumbai cho biết người mua đang "án binh" để đợi xem liệu chính phủ có cho phép xuất khẩu gạo miễn thuế sau ngày 15/10 hay sẽ gia hạn áp dụng mức thuế trên. Một quan chức chính phủ của Ấn Độ mới đây cho biết nước này dự định sẽ gia hạn mức thuế 20% với gạo đồ xuất khẩu đến tháng 3/2024.
Tại Bangladesh, giá gạo ở nước này vẫn cao và nước này vẫn chưa cần nhập khẩu gạo, giảm bớt áp lực cho thị trường đang có nhiều biến động.
Theo TTXVN/Vietnam+