Gia Lai: Xã biên giới Ia Púch nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Tính đến năm 2021 xã Ia Púch đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt và phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại.
Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
Trong năm 2021, với sự phối hợp xuyên suốt các ban, ngành, đoàn thể của xã và hệ thống chính trị thôn, làng công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về chương trình XDNTM bằng nhiều hình thức. Đồng thời mở nhiều cuộc họp trong hệ thống chính trị bàn và đề ra biện pháp thực hiện cuộc vận động XDNTM theo đặc thù của thôn, làng trên địa bàn xã.
Song song với việc tuyên truyền, vận động, xã đang phối hợp với công ty tư vấn rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch để điều chỉnh quy hoạch của xã. Đồng thời tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội từ nguồn vốn hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp với tổng kinh phí đầu tư hơn 582 triệu đồng.
Trong năm 2021 UBND xã đã làm mới 3 nhà ở cho hộ nghèo và hộ có công cụ thể như: Ngân hàng BIDV tỉnh Gia Lai tặng 1 nhà cho người có công trị giá 70 triệu đồng; tặng 1 nhà cho hộ nghèo kinh phí hỗ trợ 50 triệu, nhân dân đối ứng 20 triệu đồng.
Ủy ban MTTQVN tỉnh Gia Lai tặng 1 nhà cho hộ nghèo kinh phí hỗ trợ 50 triệu, nhân dân đối ứng 20 triệu đồng. Công ty TNHH MTV chăn nuôi bò Trung Nguyên hỗ trợ 110 triệu đồng nâng cấp và sửa chữa nhà bia tưởng niệm của UBND xã.
Năm 2022 Đồn Biên phòng xã Ia Púch hỗ trợ 2 căn nhà cho hộ nhà bà Rơ Mah Phian làng Goòng tổng giá trị 82 triệu đồng, hộ nhà Rơ Mah Lụt làng Bỉh tổng giá trị 113 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20 triệu đồng.
Bên cạnh việc vận động các mạnh thường quân chăm lo cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thông qua việc phối hợp với UBMTTQ xã xây dựng kế hoạch ra quân XDNTM hệ thống hàng rào, đèn chiếu sáng trên một số tuyến đường.
Ông Rơ Mah Hyuh (Hiếu) - người có uy tín của làng Bíh - cho biết: Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, ý thức dân làng ngày được nâng cao, đa số các hộ làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Làng cũng thuờng xuyên vận động dân làng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. “Giờ đường làng đã được khang trang, xanh, sạch hơn rồi”. Vị Già làng phấn khởi nói.
Trao đổi với PV Tạp chí Nông thôn mới, ông Lê Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho biết: Công tác vận động nhân dân đã được thực hiện ngày càng có hiệu quả sau mỗi lần phát động; phương thức và hình thức tuyên truyền, vận động có những nét phù hợp với tình hình thực tế từng thôn làng trên địa bàn xã, từ đó hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động ngày càng được nâng lên.
Vừa qua xã đã phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng mở được 02 lớp tập huấn hướng dẫn trồng và chăm sóc cây lúa nước và một số loại cây ăn quả với số lượt người tham dự là 80 người. Triển khai xây dựng mô hình trồng lúa Đông Xuân tại làng Chư Kó với diện tích 1,5 ha cho 3 hộ gia đình bằng nguồn vốn Chỉ thị 01 của Chính phủ, năng suất bình quân đạt 9,2 tấn/1,5ha. Vụ Mùa năm 2022 UBND xã tiếp tục hướng dẫn các hộ cách chăm sóc cây lúa nước 2 vụ. “Đây là mô hình có hiệu quả, góp phần trong việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân”. Ông Tuấn chia sẻ.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Theo ông Tuấn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số hộ dân mới tách hộ ra ở riêng, nhà cửa còn tạm bợ, chưa có tài sản trong nhà, thiếu vốn sản xuất.... nên tỷ lệ hộ nghèo tăng cao, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm 18,18%. Mục tiêu đến năm 2025 xã sẽ giảm tỷ lệ xuống còn dưới 10%.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong XDNTM ở giai đoạn 2021-2025, xã sẽ tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng các mô hình phát triển sản xuất; triển khai thực hiện đồng bộ Đề án XDNTM, đề án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế để nâng cao thu nhập của nhân dân; Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo nhóm sản phẩm chủ lực; Quan tâm tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm cho nông dân.
Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ đào tạo nghề, vận động người dân trong độ tuổi lao động đi làm công nhân tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Đây là công tác giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, hiện trên địa bàn xã còn nhiều hộ không có đất sản xuất hoặc chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất nông nghiệp... “với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, nếu một hộ có 1 đến 2 người đi làm công nhân thì mức thu nhập đó cũng phần nào trang trải cuộc sống cho gia đình”. Ông Tuấn nói.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những kết quả đạt được trong quá trình XDNTM đã góp phần tạo diện mạo mới cho xã Ia Púch. Cùng với sự thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần là lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền ngày một nâng cao; tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.