An ninh nông thôn

Gia tăng lừa đảo dưới vỏ bọc “Chung tay vượt qua đại dịch COVID-19”

13:06 04/11/2021 GMT+7
Các đối tượng lừa đảo không chỉ đăng tải các thông tin giả mạo lên mạng xã hội, mà còn gọi điện dụ dỗ nhiều người nuôi heo đất, đầu tư tiền ảo,… để có thể hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu trò mạo danh ví điện tử, công ty tài chính để kêu gọi từ thiện, chung tay vượt qua đại dịch COVID-19, hoặc cung cấp các Gói cứu trợ COVID-19… Điều đáng nói là các đối tượng lừa đảo này không chỉ đăng tải các thông tin giả mạo lên mạng xã hội, mà còn gọi điện dụ dỗ nhiều người nuôi heo đất, đầu tư tiền ảo,… để có thể hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Nhiều công ty tài chính liên tục cảnh báo các chiêu thức lừa đảo

Trong một tháng trở lại đây, nhiều công ty tài chính như Fe Credit, Vin Credit, các ví điện tử như VN Pay, Momo,... thậm chí là cả các ngân hàng như SCB, Agribank, Tp Bank… liên tục cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của họ. Đó là các chiêu thức lừa đảo mạo danh khiến nhiều người bị mất tiền nên đã phản ánh với các đơn vị này để đề nghị giải quyết đòi lại tiền bị mất.

Hình minh họa.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng mạng xã hội, đăng tải các thông tin về các gói hỗ trợ để chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19 có đính kèm các đường link lừa đảo. Người sử dụng chỉ cần thực hiện theo các thông tin về tài khoản ngân hàng, ví điện tử là có thể bị chiếm đoạt.

“Tôi nhận được một cuộc gọi từ Facebook, có tên là ví Momo thông báo về gói hỗ trợ COVID-19 “chung tay vượt qua đại dịch”. Sau đó họ gửi cho tôi bản hướng dẫn chi tiết về cách nhận được 1.000.000 đồng, khi thực hiện theo, ví Momo của tôi bị trừ 1.000.000 đồng. Sau khi phản ánh tôi mới biết đó là lừa đảo.

“Tôi nhận được một cuộc điện thoại thông báo là đủ điều kiện để vay tiền theo gói hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19,  người đó thông báo cho tôi cách tài ứng dụng để có thể làm hồ sơ vay tiền. Tôi cũng cài ứng dụng nhưng khi thủ tục hoàn tất thì bị mất số tiền đặt cọc khoảng 2.000.000 đồng. Khi hỏi lại ngân hàng thì tôi mới biết họ không có gói hỗ trợ đấy và tôi đã không lấy lại được tiền".

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều khách hàng phản ánh về việc bị lừa đảo mất tiền trong thời gian gần đây sau khi phản ánh đến các nền tảng ví điện tử hoặc các ứng dụng tài chính số. Khi mua hàng trực tuyến, hai khách hàng này thường liên kết với ví điện tử và tài khoản ngân hàng. Điều mà các khách hàng này băn khoăn là không biết vì sao các đối tượng lừa đảo có thể biết rõ tên, tuổi số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng để yêu cầu họ xác minh nên họ đã hoàn toàn tin tưởng đấy là những chương trình hỗ trợ cứu trợ khó khăn do đại dịch của COVID-19.

Đăng đầy đủ thông tin lên các trang web tạo điều kiện cho đối tượng lợi dụng lừa đảo

Thực tế ví điện tử Momo có nhiều chương trình để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong dịp COVID- 19, nhưng khách hàng cần quan tâm đến tính xác thực của các thông tin này như chia sẻ của ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc gây quỹ Momo.

Giá gói cứu trợ 1 triệu đồng của ví momo

Theo ông Đức Minh, cách đây 2 năm, Momo đã có bộ phận chuyên trách riêng để phát triển các tính năng dành cho các nhà hoạt động xã hội và hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chia sẻ về ứng dụng trò chơi heo đất momo. Thông qua việc nuôi một nhân vật ảo, người chơi có thể tích lũy được một đồng tiền ảo tên là heo vàng. Khi họ quyên góp cho hoàn cảnh khó khăn thì sẽ có kết nối với các nhà tài trợ doanh nghiệp chuyển đồng tiền ảo thành tiền từ thiện.

Trên trang chủ của ví điện tử Momo thường xuyên đăng tải các thông tin cảnh báo về việc nhiều khách hàng bị lừa đảo thông qua những chương trình hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Đề nghị khách hàng luôn nâng cao cảnh giác, có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo về tình trạng gia tăng hiện tượng mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử để lừa đảo người sử dụng cá nhân.

Ông Trần Minh Quang, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel nêu rõ, theo các số liệu ghi nhận được thì số lượng tên miền lừa đảo trong năm 2021 tăng hơn nhiều so với năm trước. Trung bình rơi vào khoảng 600-700 tên miền lừa đảo hàng quý. Nghĩa là mỗi một ngày trung bình là khoảng 5-10 cuộc tấn công nhắm vào người dùng mới. Ngoài ra, những ngành có sự tấn công lừa đảo nhiều đó là ngành liên quan trực tiếp đến người dùng, cá nhân chẳng hạn như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm hay là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Khi người sử dụng đăng thông tin lên mạng xã hội, nếu để lại đầy đủ tên, địa chỉ, nhà, nơi làm việc, số tài khoản ngân hàng, các thông tin trên giấy tiêm chủng vaccine phòng COVId-19, ảnh, clip... đây chính là những dữ liệu mà các đối tượng lừa đảo có thể thu thập, lợi dụng. Đó là lý do khiến nhiều người còn bị đe dọa chuyển tiền để cơ quan công an điều tra, xác minh./.

 

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác