Giỗ Tổ Hùng Vương- biểu tượng kết nối cội nguồn dân tộc
Bản sắc văn hóa độc đáo
Mỗi dịp 10/3, không chỉ người dân ở tỉnh Phú Thọ và các vùng miền trong cả nước mà cả cộng đồng quốc tế đều nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống tinh thần của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn. Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn từ hàng trăm năm qua cho đến ngày nay.
Với những đặc trưng ý nghĩa đó, ngày 06/12/2012, tại kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 Pari, UNESCO đã chính thức ghi danh tín ngưỡng "Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ các hoạt động lễ, hội trong dịp Giỗ Tổ đã được nâng lên tầm quốc gia, mà những nghi thức thờ cúng Hùng Vương ở các cộng đồng địa phương cùng với tín ngưỡng phồn thực, diễn xướng dân gian thể hiện niềm ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cũng được nhận thức như là những di sản văn hóa đặc biệt của quốc gia.
Với mục tiêu trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, hàng năm Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương kết hợp hài hòa giữa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng.
Năm nay, lễ hội Đền Hùng tiếp tục nâng cao vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Theo đó, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hành nghi lễ cúng giỗ Hùng Vương, tế lễ ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân (6/3 âm lịch), ngày "Tiên Thăng" và "Tiên Giáng" của Tổ Mẫu Âu Cơ (25 tháng Chạp và ngày 7 tháng Giêng). Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như: Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã vùng ven Khu di tích; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy; đánh trống đồng, đâm đuống, vật dân tộc, múa rối nước... và các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã diễn ra trong suốt 1 tuần trước ngày chính Giỗ (10/3).
Cùng thời điểm Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ngày mồng 10 tháng Ba ở Đền Hùng, tại các tỉnh, thành trong cả nước, người Việt sống ở nước ngoài đều làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng - đó là biểu hiện cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng tại nhà để thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng. Đây cũng là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu về lòng biết ơn với Tổ tiên, gia đình, dòng họ, hình thành nên đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Tiếp tục khẳng định lễ hội mẫu mực
Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang, để chuẩn bị tốt nhất cho việc đón hàng triệu người con về dâng hương, năm nay, Khu di tích đã chỉnh trang, cải tạo cảnh quan; quy hoạch hàng quán, dịch vụ; lên nhiều phương án đảm bảo an toàn về mọi mặt trong thời gian diễn ra Lễ hội.
Dự kiến ngày chính lễ 10/3 âm lịch, Khu di tích sẽ đón lượng khách đông đảo. Những phương án đã được lên chi tiết để sẵn sàng đảm bảo công tác an toàn trật tự cũng an toàn đối với chính người dân.
"Để tránh tình trạng chen lấn, đông đúc, người dân tránh khung giờ 7 – 9 giờ sáng ngày 10/3 âm lịch. Nếu đến đền Hùng vào thời điểm này, người dân có thể dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ" - Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang cho biết.
Mùa lễ hội năm 2023, tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện gắn mã QR code tại các điểm di tích lịch sử để tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, hiện đại. Mã QR code được bố trí tại các khu vực cổng đền, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Bên cạnh đó, bảng thông tin về lượng khách tại các điểm dâng hương được cập nhật tại chân núi Nghĩa Lĩnh giúp người dân thập phương có thể nắm bắt tình hình trước khi lên dâng hương tại Khu di tích.
Ông Giang cho biết thêm, nhìn lại 10 năm qua, kể từ khi được Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh, công tác tuyên truyền về Đền Hùng, thời đại Hùng Vương và di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trên phương tiện thông tin đại chúng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Phát huy hiệu quả hoạt động của Đài phát thanh Đền Hùng, các bảng điện tử, màn hình led; công tác tuyên truyền trực quan được thực hiện đậm nét tại khu vực di tích. Đồng thời, Khu di tích cũng lựa chọn, củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại điểm, trung bình mỗi năm đã giới thiệu hướng dẫn hàng triệu lượt khách. Qua đó, giúp đồng bào và du khách nhận thức sâu sắc hơn, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, ý thức nguồn cội ngày càng thấm sâu. Lượng khách hành hương về Đền Hùng thắp hương bái Tổ ngày càng tăng. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thực hành "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua các chủ trương, chính sách và các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, nhiều di tích, công trình cảnh quan, cơ sở hạ tầng khu di tích được đầu tư, tôn tạo: Các công trình đền, đài, lăng tẩm được tu bổ khang trang, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn "không gian thiêng"; Dự án Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2016-2020; dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo cảnh quan khu Trung tâm lễ hội và trục hành lễ; cải tạo Bảo tàng Hùng Vương, cảnh quan đồi Công Quán; cải tạo cảnh quan khu vực Ngã 5 Đền Giếng; cổng Trung tâm lễ hội và cầu đi bộ Mai An Tiêm… qua đó tạo diện mạo mới, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân khi về Giỗ Tổ.
Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng lại thu hút hàng triệu lượt đồng bào và du khách tham dự, là minh chứng cho sự hội tụ sâu sắc của nghĩa "đồng bào" đối với mỗi người con dân đất Việt.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả