Hà Giang: Chuyển đổi số - giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt
Ông Đỗ Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: Dựa trên những quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 02/8/2021 về Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có xác định: “Thực hiện tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với cơ chế kiểm soát từng cấp. Trọng tâm là đẩy mạnh chương trình hợp tác với Tập đoàn FPT và các tổng công ty công nghệ để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh...
Từ điều kiện thực tế trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chuyển đổi số được coi là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh.
Trong đó cần tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Đồng thời, chuyển đổi số phải đạt được mục tiêu tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội số an toàn nhân văn dựa trên các đặc thù về thiên nhiên, văn hóa, con người, đảm bảo an toàn an ninh mạng gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền số quốc gia, góp phần đưa Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Nhờ những chủ trương đúng đắn, kịp thời, đến nay chuyển đổi số ở Hà Giang đã có những kết quả nhất định. Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.
Hạ tầng xã hội số có bước phát triển: 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; Số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm (783 trạm 2G, 932 trạm 3G, 703 trạm 4G); Tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.
Thực hiện chuyển đổi số đồng bộ
Ông Đỗ Tấn Sơn nhận định: Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính vì vậy, tỉnh Hà Giang đã chủ động chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ cơ quan Nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số; sử dụng triệt để chữ ký số và giải quyết công việc trên môi trường mạng...
Trong phát triển chính quyền số, tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng hiện đại, hệ thống thông tin dùng chung; Tái cấu trúc hạ tầng thông tin theo hướng kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng với mạng Internet; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy tờ, thực hiện triệt để làm việc trên môi trường mạng và ứng dụng chữ ký số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp... Đẩy mạnh triển khai hệ thống điều hành thông minh, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác điều hành tác nghiệp, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu; hình thành kho dữ liệu số của tỉnh để quản lý thống nhất việc lưu trữ, chia sẻ, trao đổi, bảo quản an toàn và khai thác có hiệu quả các kho dữ liệu của tỉnh hình thành trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời tỉnh cũng thực hiện kết nối liên thông với dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.
Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh Hà Giang cũng đã tăng cường cung cấp thông tin, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đây là phương án giúp Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh Hà Giang sẽ phát triển hạ tầng chuyển phát, logistics và đổi mới mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai chuyển đổi số toàn diện ở cấp xã; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện mua bán sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng. Ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình tọa đàm phát triển kinh tế, hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư kết hợp với các doanh nghiệp lớn và các hiệp hội.
Về phát triển xã hội số, Hà Giang sẽ triển khai áp dụng mô hình giáo dục trực tuyến, phổ biến kiến thức về an ninh mạng, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số; Nâng cao tỷ lệ các trường tiểu học, trung học cơ sở có dạy tin học trên địa bàn. Triển khai ứng dụng trên thiết bị di động làm nền tảng cho phép người dân và doanh nghiệp sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích trong chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi; giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu.
“Trong thời gian tới tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Mỗi năm lựa chọn 3 đến 5 xã trong vùng quy hoạch phát triển du lịch, nông nghiệp hàng hóa để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số. Sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Giang” - ông Đỗ Tấn Sơn nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện trong cách thức vận hành, tổ chức của một cơ quan, một đơn vị, một tập thể hay một bộ máy. Chính vì vậy, vai trò của người lãnh đạo, đứng đầu đơn vị rất quan trọng, có liên quan đến quá trình quyết định sự thay đổi. Người lãnh đạo cần mạnh dạn, đi đầu trong thay đổi tư duy lãnh chỉ đạo ứng dụng chuyển đổi số và kiên định với mục tiêu đề ra.
Ông Đỗ Tấn Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hà Giang
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025