Xã hội

Quận 1 TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè

Minh Tú - 07:18 12/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Bắt đầu từ ngày 09/5, những hộ kinh doanh buôn bán ở 11 tuyến đường tại Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện thí điểm thu phí tạm thời sử dụng vỉa hè. Đáng chú ý, việc đăng ký, sử dụng vỉa hè của người dân đều được thực hiện trên phần mềm và đóng phí, rất linh hoạt và không mất quá nhiều thời gian.

Cái kết có hậu cho “cuộc chiến giành lại vỉa hè” cho người đi bộ? 
Nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh là một vấn đề nóng tồn tại từ nhiều năm qua. Nhiều người còn nhớ tháng 01/2018, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) xin từ chức sau một năm tại nhiệm, nguyên nhân là vì “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo ”. Trước đó, trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, ông Đoàn Ngọc Hải từng hứa: “Mục tiêu là xây dựng khu vực Q.1 sạch đẹp như Singapore. Nếu không dẹp được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn”. Nói là làm, bắt đầu từ 01/7, ông Hải đã chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra và lập biên bản nhiều ô tô biển xanh đậu ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước UBND TP.HCM, các công trình kiên cố ở các nhà hàng, khách sạn lớn; bậc tam cấp từ nhà dân đến trụ sở Nhà nước đều bị đập bỏ. Chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải nhận được sự ủng hộ của người dân khắp cả nước và lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Hàng loạt các quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành khác cũng đồng loạt ra quân chấn chỉnh vỉa hè. Nhiều tuyến đường ở trung tâm Q.1 và các quận, huyện khác dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Đoàn Ngọc Hải cũng phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ dư luận khi xử lý "chưa thấu tình đạt lý" trong vụ tạm giữ xe hủ tiếu của một cụ ông, cẩu xe ngoại giao hay cho tháo dỡ biển hiệu trước Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH)... Từ việc bị chụp mũ “ảnh hưởng đến mưu sinh của dân nghèo”, “ảnh hưởng đến ngoại giao” đến việc bị nhắn tin đe dọa nhiều lần… ông Hải từ chức. Và, vỉa hè quận 1 lại bát nháo như xưa, lòng đường bị chiếm dụng, khách bộ hành bị đẩy xuống lòng đường, đối mặt nguy cơ tai nạn giao thông, cướp giật, trộm cắp… 

Vỉa hè phố Mạc Đĩnh Chi quận 1 gọn gàng hơn (Ảnh: Phạm Hữu)

Còn quá sớm để phỏng đoán kết quả của việc thí điểm cho thuê vỉa hè để phục vụ kinh doanh của Quận 1 nhưng hiện tại, người dân có nhà mặt phố, hoạt động kinh doanh đang hết sức hoan nghênh. Ở một thành phố có giá nhà đắt bậc nhất thế giới như Thành phố Hồ Chí Minh thì hiểu nhiên, với mức giá thuê 100.000 VNĐ/m2, chưa tới 4 USD/m2 vỉa hè là quá… rẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, 11 tuyến phố trong diện thí điểm, các vỉa hè đã được chia làm 2 vạch, bao gồm vạch để hộ kinh doanh (tính từ mép nhà ra ngoài) và vạch để xe gắn máy (từ mép đường trở vào), phần giữa sẽ dành cho người đi bộ.  
Theo UBND Quận 1, trong thời gian tới, Phòng quản lý đô thị Q.1 sẽ tiếp tục thông tin rộng rãi mới giúp người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn về phần mềm giúp người dân có thể tra cứu sử dụng nhanh chóng, giảm chi phí và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với dữ liệu, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân. Đồng thời ưu tiên không sử dụng tiền mặt trong chuyển đổi số chung của thành phố. Phòng Quản lý đô thị phối hợp với 10 phường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tuyến đường có đủ điều kiện, công suất kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa và trông giữ xe có thu phí trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM đưa vào sử dụng định kỳ hàng tháng, quý, năm đánh giá lại các khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ. 
Còn nhiều băn khoăn
Có thể thấy những tín hiệu tích cực ban đầu đã xuất hiện trong nỗ lực cân bằng giữa việc sử dụng vỉa hè đúng chức năng cho người đi bộ và mưu sinh của người dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là trên vỉa hè, còn lòng đường, tình trạng các xe ô tô đỗ bừa bãi vẫn còn nguyên, những người bán hàng rong mưu sinh vẫn đẩy xe, gánh hàng tràn lan… tất cả vấn đề vẫn còn nguyên, vẫn còn phải chờ đợi những biện pháp khác từ UBND quận 1. 
Bên cạnh việc đồng thuận với chủ trương cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh, một số chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, xã hội học cũng đặt ra không ít vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Vỉa hè sinh ra với mục đích chính là phục vụ người đi bộ, nay kết hợp thêm công năng kinh doanh thì có phải sửa luật? 

Vỉa hè là phục vụ người đi bộ, nay kết hợp thêm công năng kinh doanh thì có phải sửa luật? 

Bên cạnh đó, cần phải có một cơ chế kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ được đảm bảo. Liệu các cửa hàng thuê vỉa hè có “được đằng chân, lân đằng đầu” khi bày bàn ghế vượt quá vạch kẻ, tiếp tục lấn chiếm vào không gian cho người đi bộ? Điều đã và đang xảy ra tại nhiều tuyến phố của Quận 1, gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…
Thiết nghĩ, để đề án đem lại hiệu quả bền vững, các đơn vị chức năng cần thường xuyên đánh giá theo những mốc thời gian nhất định để người dân, các tổ chức nắm được và có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Trong nỗ lực chuyển đổi số hiện nay, việc quan sát, theo dõi, kiểm tra tình trạng sử dụng vỉa hè đều có thể thực hiện từ xa với hệ thống camera dày đặc. Vấn đề là cơ quan quản lý có thực sự muốn làm hay không mà thôi, 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác