Đất đai

Hòa Bình: Hệ lụy từ những “hạt sạn“ của Dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến

Người dân chưa đồng ý phương án đền bù, đề nghị tái định cư “tại chỗ”

Việt Tùng - 15:28 13/05/2024 GMT+7
​​​​​​​(Tapchinongthonmoi.vn) - Dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến có hơn 70 hộ dân bị thu hồi đất thổ cư, trong đó xóm Trung Mường, xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có hơn 30 hộ. Hiện hầu hết các hộ dân đều chưa đồng ý với phương án đến bù mà Chủ đầu tư đưa ra và họ mong muốn được tái định cư “tại chỗ”, vì quen với phong tục tập quán, anh em gia đình, dòng họ, bà con lối xóm… “sống đâu, âu đấy”.

 

Dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến nằm ngay cạnh cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đang được san lấp mặt bằng.

Người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù

Cụm công nghiệp Tiên Tiến, nằm trên địa bàn xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), được thành lập theo Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 22/5/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình. Theo đó, dự án có tổng diện tích là 70,18ha, được chia làm 2 giai đoạn, do Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp làm Chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Quang Tiến cho biết, dự án đã tác động và thu hồi đất nông nghiệp của hơn 300 hộ dân, hơn 70 hộ bị thu hồi đất thổ cư, trong đó xóm Trung Mường có hơn 30 hộ bị thu hồi đất thổ cư. Hiện đã có khoảng 80% đất nông nghiệp đã được thu hồi và đã có 3 nhà máy đang xây dựng, còn đất thổ cư hiện đang tiến hàng kiểm đếm bắt buộc và thực hiện các bước thu hồi đất.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết xóm Trung Mường còn 21 hộ chưa đồng ý kiểm đếm, vì chưa đồng ý với mức giá đền bù và vị trí tái định cư.

Cũng theo ông Nam, hiện xóm Trung Mường còn 21 hộ chưa đồng ý cho kiểm đếm, vì chưa đồng ý về giá bồi thường, phương án bồi thường và vị trí tái định cư.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Luận, xóm Trung Mường cho biết, giá đền bù không hợp lý, vì giá xây dựng tính ra lớn hơn giá đền bù rất nhiều, như vậy người dân phải bù rất nhiều mới xây được nhà mới.

Theo bà Luận, hiện chưa có giá đền bù cụ thể, mà chủ đầu tư mới gửi những văn bản về khung giá mặt bằng chung trên địa bàn để người dân tham khảo như: Giá nhà cấp 4, nhà bê tông lõi thép, công trình phụ, tường rào, cây cối… Tuy nhiên, khung giá này là quá thấp so với giá vật tư, nhân công thực tế hiện nay.

“Như phương án mà chủ đầu tư đưa ra cho người dân tham khảo, thì mỗi hộ chỉ được đền bù tối đa 200m2 đất thổ cư tại khu tái định cư mới. Việc quy định như vậy sẽ rất bất cập, khó cho người dân, ví dụ gia đình có 2 đứa con trai, sau này cần có 2 cái nhà để cho con lập gia đình thì chia thế nào? Hay đơn giá đền bù nhà cấp 4 là 4,6 triệu đồng/m2, trong khi đó đơn giá xây dựng hiện nay là 5,504 triệu đồng/m2, người dân vừa mất đất, vừa mất tiền bù để xây dựng như vậy thiệt cho dân quá” – bà Luận bày tỏ.

Hầu hết người dân xóm Trung Mường, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đều chưa đồng ý với giá đền bù và vị trí tái định cư mà chủ đầu tư đưa ra.

 Đồng quan điểm với bà Luận, ông Đinh Văn Chung, xóm Trung Mường cho biết, gia đình hoàn toàn chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước của tỉnh Hòa Bình trong việc phát triển công nghiệp, tuy nhiên, việc thu hồi đất ở của người dân, cần phải nghiên cứu, xem xét, đền bù giá cả hợp lý để người dân không phải chịu thiệt.

“Chúng tôi chưa đồng ý cho kiểm đếm, không có nghĩa là chúng tôi chống hay không cho nhà nước thu hồi đất. Mà chúng tôi muốn các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần có cuộc đối thoại với người dân để bàn về phương án đền bù sao cho hợp lý. Như nhà tôi hiện có 500m2 đất, trong đó 300m2 đất thổ cư, nếu không bị dự án thu hồi, tôi có thể chia ra thành 2, 3 suất cho con cái tôi làm nhà ở. Giờ ra khu tái định cư, với muôn vàn khó khăn, đất chỉ được 200m2, đất canh tác không còn, giá đất ở dự án thì cao, sau này chúng tôi lấy đâu tiền mua đất cho con làm nhà” – ông Chung chia sẻ.

Ông Đinh Văn Chung, xóm Trung Mường, xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đề nghị "đất đổi đất", vì người dân đã phải hy sinh đất lúa, đất trồng cây lâu năm...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Quang Tiến cho biết, hiện nhiều hộ dân chưa đồng ý với giá đền bù là có cơ sở. Theo đó, xã đang cùng người dân kiến nghị chủ đầu tư về nâng giá đền bù, do giá đền bù dự kiến hiện nay còn thấp, chưa hợp lý.

“Như nhà tôi móng nông, không phải móng bê tông cốt thép, nhưng giá đền bù dự kiến là 4,6 triệu đồng/m2, trong khi đó giá xây dựng hiện nay khoảng 5,5 triệu đồng/m2 là không hợp lý, chứ chưa nói đến nhà có móng kiên có, bê tông cốt thép” – ông Nam nói.

Đề nghị được tái định cư “tại chỗ”

Tương tự bà Luận, ông Chung, ông Nguyễn Văn Tiến, xóm Trung Mường cho biết thêm, hiện 100% người dân thôn Trung Mường đã “hiến” 100% đất nông nghiệp cho dự án, giờ chỉ còn đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm, nên mong muốn được “đất đổi đất” để có đất ở, canh tác làm kế sinh nhai.

“Chúng tôi mong muốn là “đất đổi đất”, không ít nhất cũng phải đền bù cho chúng tôi bằng diện tích đất thổ cư chúng tôi bị thu hồi thì chúng tôi mới đồng ý giao sổ đỏ cho chủ đầu tư” – ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Văn Tiến, xóm Trung, xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết, với chất lượng của ngôi nhà này tính ra chi phí xây dựng khoảng 5,6 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư chỉ đền bù 4,6 triệu đồng/m2 thì người dân sao chấp nhận được,

Bà Luận cho biết, hầu hết người dân không muốn làm khó cho doanh nghiệp, nếu bắt buộc phải chuyển người dân sẵn sàng, nhưng phải đáp ứng được một số yêu cầu sau: Thứ nhất, vị trí phải là thôn Trung Mường, vì liên quan đến phong tục tập quán, người dân đã mất hết ruộng, không muốn thay đổi quá nhiều, để ổn định cuộc sống. Thứ 2, khu tái định cư phải hoàn thiện cơ sở hạng tầng điện, đường, cống rãnh. Thứ 3, khu đất phải đẹp, thuận tiện cho canh tác, cũng như cuộc sống sau này.

“Như phương án của chủ đầu tư đưa ra là người dân xóm Trung Mường sẽ về tái định cư ở xóm Rợn, xóm Văn Minh (xã Quang Tiến), đây là khu tái định cư của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, chứ không phải khu tái định cư phục vụ cho dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến, nên chúng tôi không đồng ý về đây. Tôi được biết, khu tái định cư của dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến được quy hoạch tại khu Bãi San. Tuy nhiên các hộ dân ở đây cũng chưa đồng ý với khung giá đền bù của chủ đầu tư, nên chưa giao đất” – bà Luận cho hay.

Bà Nguyễn Thị Luận, xóm Trung Mường, xã Quang Tiến (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) không đồng ý với phương án giá đền bù và vị trí tái định cư mà chủ đầu tư đưa ra.

Cùng chung quan điểm với các hộ dân nêu trên, ông Nguyễn Văn Năm, xóm Trung Mường cho rằng việc đưa người dân xóm Trung Mường về tái định cư tại khu Bãi San là rất hợp lý, do khu đất không quá xa khu dân cư hiện nay, thuận tiện cho việc hòa nhập, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân.

“Dự án đã kéo dài 4 năm nay, nhưng khu tái định cư đến nay vẫn chưa có. Thậm chí là chưa thu hồi đất, thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có được chỗ ở ổn định để sinh sống. Chủ đầu tư không thể bắt chúng tôi ở mãi trong căn nhà sập xệ, dột nát, không biết sập lúc nào như thế này được” – ông Năm phàn nàn.

Ban Quản lý dự Tổ hợp Dự án Công nghiệp Tiên Tiến nằm ngay cạnh dự án.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập, cũng như ý kiến của người dân nêu trên, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Quang Tiến cho rằng, việc đề nghị tái định cư tại chỗ của người dân là hợp lý. Bởi vì chuyển đến nơi ở mới có rất nhiều vấn đề như: Sinh kế, thổ nhưỡng, nguồn nước…

“Ví dụ các cây trồng có bứng đi cũng phải mất vài năm để hồi phục, sinh trưởng trở lại; rồi phong tục, tập quán, anh em hàng xóm mới, cũ như thế nào” – ông Nam nói.

Theo ông Nam, dự án Cụm công nghiệp Tiên Tiến có một khu tái định cư tại thôn Trung Mường, tuy nhiên hiện nay mới đang tiến hành quy trình thu hồi đất đai, nên người dân chưa thể chuyển đến nơi ở mới được.

Liên quan đến việc hộ ông Nguyễn Văn Năm muốn sửa nhà để sinh sống, ông Nam cho biết, UBND xã Quang Tiến đã đồng ý cho ông Năm “ứng” trước về khu tái định xóm Rợn để xây nhà, nhưng ông Năm không đồng ý.

Ông Nguyễn Văn Năm, xóm Trung Mường, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) quả quyết, nếu UBND xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình và chủ đầu tư không sớm "lo" tái định cư cho người dân, ông sẽ buộc phải sửa, xây nhà lại để ở, bởi vì nhà ông quá sập xệ, dột nát rồi. 

“Nhà tôi không thiếu đất, nên tôi không phải “ứng” đất của xã để xây nhà. Đất chưa thu hồi, chưa đền bù, tôi biết thế mà bảo tôi ứng. Dân sai thì chính quyền xử lý ngay, còn chính quyền, chủ đầu tư sai thì lại bắt dân chịu. Nếu xã, thành phố và chủ đầu tư không thu xếp sớm tái định cư cho gia đình tôi, tôi buộc phải sửa, xây nhà để ở, chứ không thể chịu mãi cảnh tạm bợ, nguy hiểm này được” – ông Năm quả quyết.

Công ty Cổ phần Thương mại Dạ Hợp, được thành lập ngày 4/8/2010, người đại diện pháp luật bà Vũ Thị Hợp. Trụ sở công ty ở địa chỉ: Tầng 1, Khu Thương mại, Tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp, đường Lê Thánh Tông, tổ 5, phường Tân Thịnh (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và xây dựng. Có mã số thuế: 5400252804, do Cục Thuế tỉnh Hòa Bình quản lý.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác