Hiệu quả bước đầu dự án trồng cây dược liệu ở vùng đất A Lưới
Bắt đầu từ năm 2019, Hồ Văn Như, trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trồng sâm Bố Chính và cà Gai leo. Nhưng diện tích hạn chế, đến đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Như trồng 2 héc ta sâm và Cà gai leo. Theo anh Như, với người PaKo, việc chăm sóc loại cây dược liệu mới này có những khó khăn ban đầu nhưng được tập huấn kỹ thuật, người dân đã quen với loại cây trồng mới.
Sau những vụ thu hoạch đầu tiên, với giá bán 70 ngàn đồng 1 kg sâm tươi, anh Hồ Văn Như phấn khởi vì thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác: “Số hộ dân tham gia trồng sâm thì được tập huấn cụ thể. Khâu làm đất là đầu tiên, các khâu chăm sóc, trong đó liên quan đến bảo vệ thực vật, chủ yếu là bằng hữu cơ chứ không dùng phân bón, thuốc hóa học, đó là điều quan trọng nhất. Vụ sâm năm 2023 triển khai tốt, lợi nhuận về kinh tế là khá cao. Trong thời gian sắp tới nếu được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, địa phương thì tiếp tục trồng để cải thiện kinh tế”.
Tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, ngoài sâm bố chính, mới đây, người dân còn trồng thêm cây cà Gai leo - loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh gân xương, chữa phong thấp, giải rượu, chữa bệnh lý về gan. Toàn xã có gần 10 héc-ta loại cây dược liệu này với khoảng 25 hộ tham gia.
Ông Hồ Văn Ngực, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cho biết, 1 héc ta sâm Bố Chính, người dân có thể thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, có lợi nhuận 150 đồng/1 héc ta: “Trồng dược liệu nói chung có hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng lúa và các loại cây lương thực ngắn ngày của bà con ở đây. Sắp tới, chúng tôi cũng mở rộng diện tích sâm Bố Chính nhưng có chừng mực, không mở rộng ồ ạt. Tùy vào năng lực thu mua của doanh nghiệp và thị trường mà tăng dần diện tích. Chúng tôi sẽ tiếp cận khách du lịch đến tham quan A Lưới, làm thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, sấy khô, đóng gói thành sản phẩm rượu sâm, mật ong sâm, trà sâm để bảo quản lâu hơn.”
Huyện A Lưới cũng đưa cây gừng gió và thiên niên kiện vào trồng thử nghiệm. Hiện có 64 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã A Roàng chung tay trồng khoảng 2ha. Sau gần 3 năm trồng, cây thiên niên kiện và gừng gió phát triển tốt. Với phương châm khai thác một phần, phần còn lại để cây tái sinh nên cây cho thu hoạch hàng năm đều, gần với quy luật tự nhiên.
Hiện nay, UBND huyện A Lưới đang xét hồ sơ, chọn một doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án. Theo báo cáo khả thi Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, dự án trồng cây dược liệu quý có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 68 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 96 tỷ đồng, vốn huy động khác là 65 tỷ đồng. Huyện A Lưới phối hợp với ngân hàng chính sách thực hiện tốt chính sách ưu đãi cho vay các dự án trồng cây dược liệu, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Căn cứ vào kết quả phân tích đất, nước của Viện Nông hóa thổ nhưỡng và định hướng một số cây dược liệu có tiềm năng, phù hợp với địa điểm, dự kiến, huyện sẽ triển khai vùng trồng dược liệu quý với các loại như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, sạ cạn.
“Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây dược liệu trên địa bàn, huyện tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực. Đặc biệt là nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện tập trung cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới các xã có khả năng trồng được cây dược liệu. Hiện nay, huyện đang xây dựng bản đồ Nông hóa thổ nhưỡng cho 12 xã để xác định các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với từng cây trồng cụ thể trên từng vùng đất. Hiện nay, huyện đang triển khai hạ tầng, các tuyến đường vào các khu có thể trồng được cây dược liệu.” Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến khảo sát vùng trồng dược liệu quý thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian tới, Viện Dược liệu, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ địa phương này khảo sát lại thực trạng trồng, khai thác tự nhiên về cây dược liệu; khảo sát đặc điểm đất đai, khí hậu; xác định cây trồng; gắn việc trồng, phát triển cây dược liệu với sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là tín hiệu vui để đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có điều kiện gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2024.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã dựa trên chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chuỗi liên kết để phát triển dược liệu quý ở A Lưới. Theo chương trình của dự án này thì cũng có những chính sách hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia, quan trọng là sẽ đưa những công nghệ chế biến cũng như hướng dẫn cho bà con về quy trình trồng, chăm sóc cả một số loài dược liệu mà họ đang quan tâm. Ngoài ra thì chúng tôi cũng kêu gọi doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như đầu tư trên lĩnh vực này để khai thác tiềm năng các vùng dược liệu quý. Hiện nay chúng tôi đang triển khai các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng để khai thác nguồn nguyên liệu dưới tán rừng theo mục tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt là giải quyết sinh kế cho người dân.”
Việc trồng thành công cây sâm Bố Chính, các loài dược liệu khác như Cà Gai Leo, Ba Kích, Đinh Lăng, Hà Thủ Ô trên vùng đất A Lưới đã mở ra một triển vọng mới trong phát triển vùng dược liệu, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo VOV