HND Quảng Bình đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân
Tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ vốn cho nông dân
Để người nông dân có thêm tư liệu sản xuất, Hội không chỉ chú trọng vào việc định hướng phát triển cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng cũng như khả năng làm kinh tế của hội viên mà còn “tạo đà”, thêm sức bật bằng nguồn vốn hỗ trợ nông dân, kí kết phối hợp với các ngân hàng để hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi đầu tư.
Rõ nhất năm 2022, nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) tăng 11.275,85 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh tăng 7.210 triệu đồng, cấp huyện tăng 1.312,6 triệu đồng, cấp xã vận động được 2.804,75 triệu đồng. 8/8 đơn vị cấp huyện đều được ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ HTND từ 100 đến 300 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/11/2022 tổng nguồn Quỹ trong tỉnh đạt 47.059,49 triệu đồng. Từ nguồn cấp bổ sung và nguồn quay vòng vốn, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã giải ngân 53 dự án cho 384 hộ vay với số tiền 18,8 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương 10 dự án cho 111 hộ vay số tiền 9,950 tỷ đồng; nguồn tỉnh 43 dự án cho 273 hộ vay số tiền 13,850 tỷ đồng. Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 29 dự án cho 62 hộ vay với số tiền 3,1694 tỷ đồng. Để hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid -19, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục giảm 10% phí vay các dự án Quỹ Hỗ trợ Nông dân nguồn tỉnh quản lý trong 6 tháng đầu năm 2022.
Điểm nổi bật nhất trong nguồn vốn Quỹ HTND là cho vay phát triển kinh tế gắn với xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Điển hình như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản xã Tây Trạch, phường Quảng Long, xã Phong Hóa, xã Mai Hóa; chăn nuôi bò sinh sản kết hợp trồng rừng kinh tế xã Văn Hóa; nuôi cá nước ngọt xã Hàm Ninh; đầu tư mua sắm vật tư khai thác thủy sản xã Cảnh Dương…
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội quản lý 823 tổ tiết kiệm và vay vốn với 29.711 thành viên; tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là 1.574,6 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Song song với việc tạo vốn cho nông dân làm ăn, năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ triển khai tuyển sinh, khai giảng 33 lớp đào tạo nghề với 1.150 học viên. Hội trực tiếp tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 255 lao động; phối hợp tổ chức 103 lớp đào tạo nghề cho 3.724 lao động nông thôn. Điều này đã giải quyết được khâu việc làm cho nông dân rất hiệu quả bởi sau đào tạo nhiều học viên đã phát huy được kiến thức đem vào áp dụng vào trong sản xuất.
Hướng dẫn hội viên tiếp cận khoa học – công nghệ, kết nối tiêu thụ nông sản
Hướng tới người nông dân hiện đại trong giai đoạn công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì việc chuyển mạnh sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết hợp tác thành khối vững chắc nhằm thay đổi phương thức sản xuất là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, suốt năm qua Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo từng chi, tổ hội nghề nghiệp có ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trong quá trình sản xuất. Một trong những điều kiện tiên phong là tập huấn chuyển giao công nghệ, đi tham quan học hỏi mô hình,…
Để hiệu quả hơn sau đào tạo nghề, Hội đã phối hợp với các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022. Ngoài ra, các cấp Hội đã phối hợp với Trung ương Hội, các sở, ngành tổ chức được 614 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 43.750 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế nên các lớp tập huấn, dạy nghề chủ yếu xoáy sâu vào đó.
Hội phối hợp với sở Công Thương tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản cho 80 cán bộ, hội viên nông dân; Phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 38 nhãn hàng của 32 cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học Đề tài “Trồng cây dược liệu Xuyên Tâm Liên trên vùng đất gò đồi huyện Bố Trạch” tại xã Cự Nẫm, diện tích 0.2 ha.
Bên cạnh hỗ trợ hội viên có tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng Hội cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Không những vậy, Hội còn kết nối thông tin giúp nông dân tiêu thụ nông sản, tổ chức kết nối hỗ trợ, tiêu thụ mật ong và bưởi Phúc Trạch (xã Thanh Thạch) với sản lượng trên 1 tấn. Tổ chức 4 Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp năm 2022” tại 4 xã Hưng Trạch, Hạ Trạch, Lâm Hóa, Hàm Ninh cho hơn 100 lao người lao động trong độ tuổi và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và du học.
Từ nhiều hoạt động có ý nghĩa đó, vị thế, uy tín của tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam