Hỗ trợ người dân địa phương sinh kế để phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu
Tham dự Hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT); ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên BTV, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội NDVN), Giám đốc Chương trình FFF II; ông Ewald Rametsteiner, Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO); Bà Tiina Huvio, Giám đốc điều hành tổ chức Phát triển rừng và lương thực Phần Lan (FFD), Chủ tịch Ban Điều hành Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) toàn cầu.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu (trong đó có khoảng 90 đại biểu Việt Nam và 65 đại biểu nước ngoài đến từ 27 quốc gia) là đại diện các bộ, ngành Trung ương của Việt Nam; các tổ chức của các quốc gia là đối tác của Chương trình FFF và các quốc gia trong mạng lưới; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; Đại sứ quán Phần Lan, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tập hợp đại diện của các tổ chức sản xuất rừng và trang trại ở cấp cơ sở từ khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Âu, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ để thảo luận về cách thức các mô hình kinh doanh có thể thúc đẩy sự đa dạng hóa – không đồng nhất. Với trọng tâm là thảo luận giải pháp cho các hộ kinh doanh rừng và trang trại quy mô nhỏ có thể phát triển hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đó là thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và mạng lưới của mình.
Ngoài ra, Hội thảo còn tăng cường sự hợp tác và sức mạnh tổng hợp của các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO) với các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức tài chính và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh toàn diện, công bằng và thích ứng với khí hậu liên kết với chuỗi giá trị rừng và trang trại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn cho biết: Thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” và các cam kết của Việt Nam tại COP26, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai tới cán bộ, hội viên nông dân cả nước việc phát triển nền kinh tế xanh. Hội ND các cấp còn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước về giảm tiêu hao năng lượng, giảm chất thải rắn và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cùng hội viên nông dân và tổ chức Hội Nông dân cơ sở xây dựng mô hình mẫu về “nông nghiệp xanh”, nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; tích cực góp ý xây dựng, vận động thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án quốc gia về sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất và nước, phục hồi và phát triển các nguồn vốn tự nhiên…
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức đối tác chính thực hiện Chương trình FFF, được thực hiện tại 5 tỉnh gồm Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận các dịch vụ, các giá trị văn hóa bản địa.
Ông Lương Quốc Đoàn cũng khẳng định: Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình đã đào tạo, tăng cường năng lực cho Hội Nông dân các cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân. Các tổ hợp tác, hợp tác xã và cộng đồng sống dựa vào rừng tại các vùng dự án FFF đã được đào tạo về kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, quản lý rủi ro, nâng cao sinh kế cũng như phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, các biện pháp canh tác nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng lượng hấp thụ các bon, góp phần giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và đa dạng hóa các biện pháp can thiệp.
Bên cạnh đó, Chương trình đã nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rừng và trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi giá trị hiệu quả, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, đồng thời giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng.
Tại Hội thảo, ông Ewald Rametsteiner, Phó Trưởng Ban Lâm nghiệp của FAO cũng cho biết: Hiện nay, ước tính có khoảng 1,5 tỷ người sản xuất rừng và trang trại quy mô nhỏ, và họ sản xuất khoảng một phần ba lượng lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ nhỏ đang sản xuất ra các sản phẩm khác nhau trên cùng một khu vực cảnh quan và điều này giúp giảm tính dễ bị tổn thương của họ trước tác động của các cú sốc liên quan đến khí hậu và thị trường. Nếu được quản lý đúng cách, việc này cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng đất và thúc đẩy dinh dưỡng tốt hơn.
“Với sự hỗ trợ phù hợp, các nông hộ nhỏ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cảnh quan rừng và nông trại trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới” - ông Ewald Rametsteiner nhấn mạnh.
Chia sẻ về hiệu quả khi tham dự vào chuỗi Chương trình FFF, chị Cao Thị Tâm – Giám đốc HTX Tân Xuân 269 (Xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La) phấn khởi cho biết: HTX thu hút 80 thành viên tham gia, từ khi tham gia Chương trình của FFF, tôi cũng như các thành viên có kiến thức về về kỹ năng canh tác, sản xuất, làm giàu từ rừng, trồng xen canh các cây thảo dược, ví dụ như trồng tre lấy măng, kết hợp trồng thêm gừng… từ đó, các thành viên đều có nguồn thu nhập tăng hơn so với trước và ổn định. Ngoài ra HTX còn sơ chế, chế biến các sản phẩm như măng khô, nấm... nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh Thập kỷ Liên Hợp quốc về Nông nghiệp hộ gia đình 2019-2028 (UNDFF) đã nhấn mạnh vai trò của các nông hộ trong việc định hình tương lai của lương thực và thực phẩm, cũng như thúc đẩy các hệ thống lương thực-thực phẩm bền vững hơn trong bối cảnh khí hậu liên tục thay đổi. Chính vì vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị quan trọng đối với những hành động nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu, và các khuyến nghị này sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cầu về Nông nghiệp hộ gia đình (UNDFF) sẽ diễn ra trong tháng này.
Hội thảo diễn ra theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp từ ngày 22 – 27/9/2022 với nhiều các chuỗi hoạt động như triển lãm chia sẻ các sáng kiến đổi mới, nơi các nông hộ rừng và trang trại quy mô nhỏ giới thiệu các sản phẩm rừng và trang trại, lâm sản ngoài gỗ từ các trang trại của mình, được coi là những sản phẩm có thể góp phần tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và an ninh lương thực. Các đại biểu tham dự cũng sẽ tham gia một chuyến thăm quan thực địa 2 ngày tại 5 tổ hợp tác, hợp tác xã ở các tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn nhằm khuyến khích việc nhân rộng các thực hành tốt trong mạng lưới các tổ chức ở cấp cơ sở trên toàn cầu.
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam