Hội NDVN – Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào “Tam nông”
Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành
Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN; ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN. Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Ban, Trung tâm của Trung ương Hội và lãnh đạo các vụ của Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo một số Sở KH&CN và đại diện lãnh đạo Hội ND của hơn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN khẳng định: KH&CN luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước ta, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế. Trong nhiều năm qua, Trung ương Hội NDVN với Bộ KH&CN định kỳ ký kết các chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai ngành và tích cực chỉ đạo ngành dọc của 2 ngành của 63 tỉnh, thành phố phối hợp triển khai thực hiện. Chương trình phối hợp hoạt động số 07-CTrPH/HNDVN-BKHCN, giai đoạn 2021 - 2025 là một minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả của 2 ngành.
Chương trình phối hợp đề ra mục tiêu chính, đó là: Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, góp phần thực hiện “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chương trình phối hợp đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định.
“Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các nội dung của chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, hai cơ quan, hai ngành phối hợp tổ chức Hội nghị hội thảo sơ kết đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình phối hợp với mục tiêu: Hội thảo trao đổi làm rõ những kết quả đạt được của chương trình phối hợp, thấy được tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; Định hướng được phương hướng, đưa ra được những nhiệm vụ hoạt động hiệu quả chương trình phối hợp trong thời gian tới. Thông qua Hội thảo, hai bên nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa hai ngành trong thực hiện Chương trình phối hợp từ Trung ương tới cơ sở, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” – Bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN khai mạc Hội thảo.
Quá trình triển khai ở cấp Trung ương, sau ký Chương trình phối hợp, văn bản chương trình đã được gửi, báo cáo Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương biết để quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hai ngành triển khai thực hiện; Chương trình gửi Hội NDVN, sở KH&CN 63 tỉnh, thành phố cả nước để làm căn cứ hai ngành cấp tỉnh xây dựng, kí kết các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện các nội dung của chương trình phối hợp cấp Trung ương.
Hàng năm, hai cơ quan cấp Trung ương luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ngay từ khâu xây dựng nội dung, kinh phí các hoạt động của kế hoạch năm, báo cáo kịp thời kết quả hàng năm (trong 2 năm 2022, 2023, kinh phí cấp thực hiện chương trình phối hợp ở Trung ương là hơn 9 tỷ đồng); Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hai ngành dọc cấp địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp; Kịp thời hỗ trợ, tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình tới cơ sở đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả các hoạt động của chương trình. Các hoạt động của chương trình phối hợp được Trung ương Hội đưa vào nội dung kiểm tra, giám sát và được định kỳ kiểm tra, giám sát theo nội dung, chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Trung ương Hội.
Ở cấp địa phương, căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình phối hợp hoạt động của hai cơ quan Trung ương; căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, hầu hết Hội ND và Sở KH&CN 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động, đã chủ động xây dựng kế hoạch và kinh phí hoạt động cho hàng năm; tổ chức phổ biến quán triệt đến cán bộ Hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt nội dung, mục tiêu chương trình đề ra.
Theo báo cáo tại hội thảo, kết quả tổng hợp từ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, cho thấy: Các cấp Hội và Sở KH&CN đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN; tích cực phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống cho hội viên nông dân; hàng năm đều tổ chức đánh giá hoạt động KH&CN lồng ghép hội nghị sơ kết công tác Hội 6 tháng và cuối năm để rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm sau, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp tại địa phương.
Các cấp Hội địa phương cơ sở đã chủ động, tích cực phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới đông đảo cán bộ Hội ở cơ sở và hội viên nông dân. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức với nhiều nội dung phù hợp với đối tượng là hội viên nông dân: Trong hơn 2 năm qua, Bản tin “Khoa học với nhà nông” của Trung ương Hội đã xuất bản, phát hành được 15 kỳ số với 24.000 cuốn, chuyển đến Hội ND cấp tỉnh, huyện và một số xã trong cả nước. Website “Khoahocchonhanong.com.vn” đã biên soạn, đăng tải cung cấp trên 700 tin, bài, quy trình hướng dẫn về khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 14 Video clip về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn sinh học, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được sản xuất để tuyên truyền trên website của Trung ương Hội, Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Danviet.vn, Tạp chí Nông thôn mới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Điển hình, năm 2022, Trung ương Hội NDVN đã tổ chức thành công các hội thi, lễ tôn vinh cấp quốc gia như: “Hội thi Nhà Nông đua tài” toàn quốc (từ cơ sở cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và chung kết toàn quốc). Hội thi có sân khấu hoá các nội dung kiến thức khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, khiến các nội dung này hấp dẫn hơn. Chuỗi hoạt động này cũng đã góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên nông dân nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.
Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, vinh danh 300 đại biểu là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố; thông qua hội nghị, các thông tin về kinh nghiệm, sáng kiến, sáng tạo KHKT trong sản xuất, giải pháp làm giàu của các hộ được chuyển tải đến đông đảo hội viên nông dân cả nước.
Một trong những điểm nhấn hoạt động phối hợp giữa hai bên là hoạt động tôn vinh 62 “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2022 (hoạt động này bắt đầu từ năm 2018 và được duy trì trong những năm tiếp theo). Người được vinh danh là những cán bộ, chuyên gia, chủ các doanh nghiệp, HTX, nông dân giỏi... luôn gắn bó và có nhiều đóng góp đưa KH&CN đến với nông dân. Vinh danh họ, những “Nhà khoa học chân đất” đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, khuyến khích phát triển mạnh mối liên kết giữa Nhà khoa học và Nhà nông.
Tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh, thành Hội cho thấy, đến nay, hầu hết 63 tỉnh, thành đều có website và Bản tin công tác Hội được phát hành hàng tháng để tuyên truyền hoạt động Hội và phong trào nông dân của địa phương, trong đó có các chuyên trang phổ biến kiến thức KH&CN, các mô hình, gương điển hình ứng dụng khoa học kỹ thuật của hội viên nông dân; Hội tổ chức tuyên truyền được 75.357 buổi với 3.579.155 lượt hội viên nông dân tham gia.
Hội NDVN cũng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp - nhiệm vụ được các cấp Hội quan tâm thường xuyên: Từ năm 2021 đến nay, Trung ương Hội đã phối hợp với các ngành, tổ chức KH&CN liên quan tổ chức được 96 lớp tập huấn với nội dung về “Nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ năng về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ kinh tế hợp tác, HTX” cho 5.400 lượt hội viên nông dân/ 24 tỉnh, thành phố; triển khai thành công, hiệu quả 02 mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, HTX ở Bắc Giang và Nam Định.
Tại các địa phương, Hội ND các tỉnh, thành phố đã chủ động và phối hợp các ngành liên quan tổ chức được 652 lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp cho trên 3,5 triệu lượt hội viên nông dân. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thành công 4.927 mô hình điểm; xây dựng và duy trì hàng trăm “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân đăng ký mã số, mã vạch cho nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hoá
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Trong những năm qua các cấp Hội ND tỉnh Thái Bình đã tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng có liên quan để tuyên truyền, xây dựng và triển khai có hiệu quả phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất lớn theo chuỗi giá trị có ứng dụng KH&CN; phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Kết quả trong những năm qua các cấp Hội đã tổ chức được 15.830 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho hơn 850.800 lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng được 760 mô hình kinh tế tập thể; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho 18.900 cán bộ HTX và tổ hợp tác; mở được 852 lớp dạy nghề, cho 36.230 lượt hội viên nông dân tham gia; tổ chức được 2.920 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân.
Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội thảo.
Hội ND tỉnh đã tổ chức thực hiện 2 đề tài khoa học cấp tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, thông qua Sở KH&CN đã hỗ trợ cho hội viên nông dân vay vốn qua 3 chu kỳ (2 năm 1 chu kỳ, với lãi xuất ưu đãi 0,4%/tháng) với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, xây dựng được 62 mô hình ứng dụng KH&CN mới trong sản xuất chăn nuôi (như: nuôi lợn nái ngoại, nuôi rắn, nuôi ba ba gai, nuôi cá song thương phẩm...). Đến nay, thông qua nguồn vốn này, hội viên nông dân đã và đang duy trì ứng dụng hiệu quả vào sản xuất và đã nhân rộng ra hàng trăm mô hình khác trong tỉnh, thu nhập bình quân trừ chi phí đạt 7 - 10triệu đồng/hộ/tháng.
“Giai đoạn tới đây, ngành KH&CN tiếp tục tạo điều kiện cho Hội Nông dân có thêm nguồn lực thông qua các chương trình, đề tài, quỹ phát triển KHCN để Hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là các tiến bộ KHCN tiên tiến cho nông dân” – ông Lê Hồng Sơn đề xuất.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội ND Thành phố Hà Nội cũng cho biết: Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (năm 2022) ước tính chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố. Hà Nội đã có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội tham luận tại Hội thảo.
“Để tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp hiệu quả giữa hai ngành, thời gian tới, Hội ND Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phù hợp với trình độ và nhu cầu của nông dân. Hội Nông dân TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thí điểm xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao; nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm nông nghiệp), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, bảo vệ môi trường, dịch vụ kinh doanh nông sản); Nông nghiệp đô thị theo hướng “thành phố xanh”, “khu đô thị sinh thái”. Hội ND thành phố sẽ chủ động phối hợp với các cơ ngành chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất; các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ mới theo chuỗi giá trị đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP” – Lê Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên cho biết, những năm qua, Sở KH&CN đã phối hợp với Hội ND tỉnh tổ chức hỗ trợ cho nông dân về sở hữu trí tuệ, đăng ký và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đến nay, toàn tỉnh có 31 sản phẩm được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, trong đó nhiều nông sản được công nhận thương hiệu như: Chỉ dẫn nhãn lồng Hưng Yên, Cam Hưng Yên, Vải trứng Hưng Yên, Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Nghệ Chí Tân, Cam Quảng Châu, Quất cảnh Văn Giang, Hoa cây cảnh Phụng Công, Bánh tẻ Phụng Công, Giò chả Trai Trang, Nếp thơm Hưng Yên, Vải lai chín sớm Phù Cừ…; Hai ngành đã phối hợp xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm trứng thu được sau khi trừ chi phí khoảng 75 triệu đồng/lứa gà và đảm bảo vệ sinh môi trường...
Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên phát biểu tại Hội thảo.
“Việc hỗ trợ nông dân cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản đang là việc làm rất cần thiết để giúp nông sản đặc sản Hưng Yên xuất khẩu ra thị trường trong nước và xuất khẩu, vì vậy Hội ND cần triển khai hỗ trợ nông dân cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất, tuyên truyền tới cán bộ Hội ND các cấp việc thực hiện mã số, mã vạch cho nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hoá cho nông dân, bởi ngay cả cán bộ Hội, nhiều người cũng chưa nắm rõ, chưa hiểu hết ý nghĩa và quy trình thực hiện công việc này” – bà Nguyễn Thái Kiều Ngân kiến nghị.
Tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã nêu các phải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện hiện nay, theo đó, hai bên cần rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Bộ KH&CN đang tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thời gian tới Bộ tiến hành đề xuất sửa đổi Luật KH&CN và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý thông thoáng tháo gỡ các khó khăn về cơ chế chính sách hiện nay, đồng thời xây dựng chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực KH&CN làm việc tại các cùng nông thôn miền núi. Việc ứng dụng KH&CN, chuyển giao tiến bộ KH&CN phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cho cơ sở, nâng cao năng lực áp dụng KH&CN của người dân, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở vào các hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN, hoạt động ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ tại các vùng khó khăn cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù của Nhà nước để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các tiến bộ KH&CN.
Việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Chương trình KH&CN, ứng dụng KHCN, chuyển giao các tiến bộ KH&CN phải phù hợp với năng lực tiếp thu của từng vùng, từng địa phương. Ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN có vai trò hạt nhân của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa cũng như tạo sinh kế cho người dân.
Tham luận của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật cũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là các nông hộ sản xuất, tăng cường đào tạo người sản xuất thông qua hội thảo, lớp tập huấn ngắn hạn, xây dựng mô hình sản xuất, khuyến khích đào tạo người dân bản địa trẻ tuổi theo học bậc đại học thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp để làm nòng cốt phát triển. Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản, cần gắn với nền nông nghiệp an toàn, sạch, sinh thái, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống tiêu chuẩn qui chuẩn, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm nông sản có chủ sở hữu, có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai bên cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến, giúp chất lượng sản phẩm nông nghiệp ổn định, đảm bảo an toàn.
Ông Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) nêu các giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện hiện nay.
Cũng theo ông Lưu Quang Minh, thời gian tới, để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai ngành và ứng dụng KH&CN của nông dân, đặc biệt để hỗ trợ nông dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, cần hỗ trợ ứng dụng KH&CN chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Phát triển nền nông nghiệp thông minh, an toàn, sinh thái và tuần hoàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp. Cần tiếp tục triển khai cơ chế chính sách đặc thù trong các hoạt động ứng dụng KH&CN để phục vụ trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khuyến khích các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN theo chuỗi giá trị, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm giải quyết khâu vốn, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, người nông dân là chủ thể của sản xuất gắn kết với doanh nghiệp, đảm bảo kết nối quá trình sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Các hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn cần được đổi mới theo hướng từ phục vụ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang phục vụ sản xuất kinh doanh tập trung qui mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế. Cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần được tăng cương và tổ chức lại sản xuất theo hướng thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.
Về phía Hội NDVN, theo bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai ngành, các cấp Hội ND cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, hướng góp phần thực hiện "phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn và hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các cấp Hội cần tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ Hội, hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ; trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, kinh doanh, dịch vụ; quy trình quản lý sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, hàng hóa có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và giá trị của các sản phẩm có chứng nhận trong việc nâng cao giá trị kinh tế, tính bền vững cho các sản phẩm nông sản. Các cấp Hội cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp.
Cũng theo bà Bùi Thị Thơm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trách nhiệm của tổ chức Hội theo Chương trình phối hợp, trong thời gian tới, các cấp Hội cần tích cực hơn nữa trong việc làm “cầu nối” phối hợp với các tổ chức, các doanh nghiệp KH&CN để tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo; đưa sáng kiến, sáng chế, sáng tạo hữu ích của hội viên nông dân ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước; mở rộng đối tượng tham gia, cơ cấu lại giải thưởng Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông”, nhằm thu hút nhân tài, giải pháp KH&CN tiên tiến giúp nông dân phát triển sản xuất. Hội cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đối với các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015); trong đó, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả đạt được trong chương trình phối hợp hoạt động giữa hai bên giai đoạn 2021 – 2025. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, Hội ND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những chương trình phối hợp với các Sở KH&CN với nhiều hoạt động đổi mới, thiết thực và hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu kết luận Hội thảo.
“Chương trình phối hợp đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN. Nông dân cả nước đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ vào sản xuất, chế biến hiện đại mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, hai đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công các cuộc thi về sáng kiến khoa học kỹ thuật nhà nông thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia”- ông Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đánh giá cao các hình thức sân khấu hoá chuyển giao khoa học công nghệ thông qua các hội thi Nhà nông đua tài, việc phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm ứng dụng khoa học và công nghệ.
Sau khi điểm lại một số ưu điểm trong việc triển khai Chương trình phối hợp thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng nhắc lại một số tồn tại, hạn chế như việc tham mưu đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao; hoạt động khoa học công nghệ ở một số nơi chưa được rõ; xã hội hoá chuyển giao khoa học công nghệ vào khu vực tam nông còn thấp; cơ chế phối hợp ở một số địa phương còn lỏng lẻo... Thời gian tới, hai bên tích cực nghiên cứu, góp ý sửa Luật Khoa học và Công nghệ, tham mưu góp ý xây dựng cơ chế khoa học công nghệ, giải pháp ứng dụng phù hợp theo từng thời kỳ; duy trì và phát triển việc xây dựng các mô hình thực nghiệm; khuyến khích và thúc đẩy phối hợp giữa trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong việc hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ KHCN và Hội NDVN thống nhất tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của khoa học - công nghệ. Hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, ứng dụng, nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015).
- Nghệ An: Các cấp Hội cần tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, cách làm hiệu quả, kết quả ấn tượng
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định