Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước dự tại điểm cầu tỉnh Long An; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các đồng chí trong Ban Thường vụ các Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo cấp vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Trưởng, Phó Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố và các báo cáo viên…
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ba Đình Hà Nội; kết hợp trực tuyến với 14.934 điểm cầu trên toàn quốc, với hơn 1,2 triệu đại biểu tham dự.
Tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Tiến Nam- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; cùng toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tại hội nghị các đại biểu đã nghe 3 báo cáo chuyên đề. Cụ thể chuyên đề thứ nhất do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt chuyên đề: “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIV của Đảng có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất Cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới; tạo dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong 40 năm xây dựng, phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, vấn đề khó khăn đặt ra cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ban Chấp hành Trung ương xác định, trong nhiệm kỳ Đại hội XIV cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe chuyên đề thứ hai do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề: “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Trình bày chuyên đề thứ hai, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đan xen nhiều thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức là nhiều hơn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội từ sau Đại hội XIII của Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội: “Việt Nam đi sau về trước”; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Theo Thủ tướng, đánh giá dự kiến 5 năm (2021-2025) thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; GDP bình quân đầu người tăng từ khoảng 3.700 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025, tăng 37,1% so với năm 2021. Theo số liệu đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế- IMF, quy mô nền kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2023 đạt 433 tỷ USD xếp thứ 34 trên thế giới thì năm 2025 dự kiến đạt khoảng 500 tỷ USD xếp thứ 33 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN.
“Đánh giá chung 5 năm 2021-2025 thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, chỉ số phát triển con người được cải thiện, chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn”. Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề 3 về: “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng”.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ; đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm hơn nữa, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, dày công xây dựng và sáng suốt lựa chọn, bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Hội nghị Trung ương Mười ở các cấp ủy Đảng, trong toàn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung làm rõ, làm sâu sắc để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những quan điểm chỉ đạo cốt lõi của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Mười, tạo sự thống nhất ý chí, đồng thuận cao trong Đảng và xã hội.
Về công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, các văn kiện trình Đại hội XIV phải kết tinh được trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, phản ánh được những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; phản ánh quá trình kế thừa, tiếp nối, phát triển toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai, cần nắm vững 03 tinh thần căn cốt: Thứ nhất là khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam, đóng góp vào tiến bộ chung của cách mạng thế giới; Thứ hai là Đại hội XIV của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại - Đại hội thúc đẩy toàn diện quá trình chuẩn bị để đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, phát triển bứt phá về mọi mặt; Thứ 3 là tinh thần bứt tốc, bứt phá, phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng lưu ý, Nghị quyết đã đúng, trúng thì tổ chức thực hiện là khâu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến chủ trương của Đảng thành hành động cách mạng, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Qua triển khai Nghị quyết trong cuộc sống để phát hiện, bổ sung, ngày càng hoàn thiện bước đi, tìm ra con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng bày tỏ tin tưởng, với sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; với tinh thần cách mạng không ngừng tiến công, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng của mọi người dân, chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bứt tốc phát triển, đưa đất nước bứt phá, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Tổng Bí thư: Kiện toàn bộ máy chính trị với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”
- Thủ tướng: Phát huy bài học kinh nghiệm quý và tinh thần Chiến thắng Bình Giã
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học