Hội vào cuộc, nông dân làm ăn khấm khá, nông thôn đổi mới từng ngày
Nông nghiệp phát triển ổn định
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận đã phát triển nhiều mô hình cánh đồng lớn, tưới nước tiết kiệm, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 10%/năm. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 21% đường trục thôn, xóm, nội đồng được cứng hóa. Ước tính đến cuối năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản của Ninh Thuận đạt hơn 122.739 tấn, đạt 102,7% kế hoạch năm. Ninh Thuận có 781 tàu dài trên 15 m, đủ sức khai thác xa bờ, có 170 tổ đoàn kết sản xuất với 1018 tàu. Ninh Thuận là trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, năm 2021 ước đạt 36 tỷ con.
Để hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm, trong 10 năm qua, Hội ND Ninh Thuận đã hỗ trợ xây dựng xác lập 22 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, triển khai ứng dụng Tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc đối với 9 sản phẩm đặc thù; hỗ trợ 13 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tại các huyện kinh phí thực hiện “Ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP” cho gần 200ha cây trồng, xây dựng bộ tiêu chí và xác lập 12 sản phẩm đặc thù tỉnh; tổ chức 25 lớp tập huấn, hội thảo cho 911 lượt, cơ sở công nghiệp nông thôn và nông dân; hỗ trợ 4 doanh nghiệp và HTX xây dựng phát triển thương hiệu và kết nối thị trường; hỗ trợ 28 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí khoảng 22.559,4 triệu đồng.
Hội cũng đã tổ chức cho 256 lượt cơ sở, doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ kết nối cung- cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ người nuôi đạt nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” do Bộ KH&CN cấp, tái lập Hiệp hội tôm giống; có 2 doanh nghiệp được chứng nhận đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh hướng đến đạt chuẩn OIE… Thời gian qua, Hội Nông dân có vai trò quan trọng giúp Ninh Thuận có được những nông sản rất nổi tiếng với các thương hiệu đã được bảo hộ, có chỉ dẫn địa lý như: Nho Ninh Thuận, Thịt cừu Ninh Thuận; 8 Nhãn hiệu chứng nhận: Dê, Tôm giống, Măng tây, Rong sụn, Nha đam Ninh Thuận, Trái cây Ninh Sơn, Nước mắm Cà Ná; 10 Nhãn hiệu tập thể: Rau an toàn Văn Hải, Rau an toàn An Hải, Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Nho VietGAP Văn Hải, Măng khô Bác Ái, Heo đen Bác Ái, Heo, Gà Thuận Bắc, Gốm Bàu Trúc, Thổ cẩm Mỹ Nghiệp…
Chỗ dựa tin cậy của nông dân
Từ năm 2012 đến năm 2020, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thực hiện 311 mô hình, dự án với số vốn lũy kế là 67.324 triệu đồng, giải quyết 2.862 lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất tại 30/65 xã, phường, thị trấn. Hội ND đã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ 2017 đến nay được 3.515,8ha, xây dựng 89 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hội cũng đã lồng ghép các chương trình phát triển lâm nghiệp, các dự án đầu tư lâm nghiệp để giúp nông dân miền núi phát triển sinh kế bền vững. Đồng thời, đã đào tạo nghề dài hạn cho 11.053 người, đào tạo nghề ngắn hạn cho 87.755 người như kỹ thuật trồng hành tại xã Nhơn Hải, kỹ thuật trồng rau an toàn tại xã Phước Hải, kỹ thuật trồng măng tây tại Xóm Bằng, kỹ thuật trồng cây mì, cây mía tại huyện Ninh Sơn, thí điểm nuôi thủy sản sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn trong ao nuôi tôm ở Đầm Nại; 78 ha vùng nuôi tôm trên cát An Hải- Phước Dinh nuôi tôm thẻ thương phẩm.
Hội ND Ninh Thuận đã vận động nhiều nguồn vốn ngân sách, vốn huy động từ dân cư, vốn từ Chương trình Nông thôn mới (NTM), vốn tài trợ quốc tế… để thực hiện 42 dự án nông nghiệp/2.765 tỷ đồng, 71 dự án công nghiệp- xây dựng/11.995 tỷ đồng, 59 dự án du lịch- TMDV/14443 tỷ đồng, 71 dự án khoáng sản/6.089 tỷ đồng, 21 dự án xã hội hóa nhiều lĩnh vực/295 tỷ đồng, 74 dự án năng lượng tái tạo/144.170 tỷ đồng…
Qua 10 năm thực hiện Chương trình NTM, đến nay Ninh Thuận đã có 28 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 59,6%. Đạt được kết quả trên có vai trò hàng đầu của Hội Nông dân, có thể kể đến một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức gần 800 buổi tuyên truyền NTM, đô thị văn minh cho hơn 22.500 lượt người tham gia; tổ chức cho trên 392.000 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua và có trên 120.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi…
Phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 193.186 lượt nông dân; giúp đỡ trên 5.677 hộ hội viên thoát nghèo bền vững; tổ chức cho trên 262.995 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua và bình chọn được 197.467 lượt hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá; vận động nông dân hiến đất 142.993 m2, đóng góp trên 200 triệu đồng; huy động trên 11.500 hội viên làm đừờng giao thông, nạo vét kênh thủy lợi, bờ sông… vận động đóng góp hơn 1.607 bóng đèn thắp sáng đường nông thôn…/.
*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.