Phong trào nông dân

Văn Lâm (Hưng Yên): Hội đồng hành cùng nông dân hướng tới đích "Huyện nông thôn mới nâng cao"

Thành Đạt - 15:45 31/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Văn Lâm (Hưng Yên) là địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có nhiều khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện bị thu hẹp. Do đó, Hội Nông dân huyện Văn Lâm đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể

Trong 5 năm qua (2018 - 2023), đã có trên 2.000 lượt hộ nông dân trong huyện Văn Lâm giao đất cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hàng nghìn nông dân trở thành công nhân trong các công ty, doanh nghiệp. Phát huy điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thị trường, Hội Nông dân huyện Văn Lâm đã chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Hội phối hợp mở được 06 lớp dạy nghề miễn phí, 285 lớp chuyển giao KHKT cho gần 18.000 lượt nông dân tham dự; tổ chức nhiều chuyến tham quan các mô hình kinh tế mới ở trong và ngoài tỉnh cho trên 800 lượt cán bộ, hội viên…

Hiện tổng diện tích gieo trồng của huyện năm 2022 đạt 4.744,84 ha. Năng suất lúa trung bình cả năm đạt 61,68 tạ/ha (tăng 0,77 tạ/ha so với đầu nhiệm kỳ). Giai đoạn 2018-2022, toàn huyện chuyển đổi được 560,46ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, trồng lúa kết hợp nuôi thả thuỷ sản. Tiếp tục duy trì và phát triển một số mô hình trồng trọt có hiệu quả như: Mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, hoa chất lượng cao, lúa chất lượng cao, cây kiệu, rau các loại…

Nông dân thôn Xuân Đào, xã Lương Tài thu hoạch hoa Cúc chi. Ảnh Dương Miền

Nghề chăn nuôi tại Văn Lâm phát triển theo phương thức trang trại với quy mô vừa và lớn, giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ. Hầu hết các trang trại đã đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: Sử dụng giống năng suất, chất lượng cao; hệ thống chuồng trại khép kín, điều hòa thông gió, máng ăn uống tự động, có hệ thống xử lý môi trường và chủ động áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể; hình thành các mô hình chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hướng dẫn thành lập 9 mô hình liên kết có quy mô sản xuất lớn cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động tham gia. Các mô hình đang phát triển tốt, hoạt động ổn định, bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng cây ăn quả (cam, ổi, bưởi- HTX Hoa Quả Việt, HTX công nghệ cao Toàn Thắng); cây dược liệu (hoa cúc chi xã Tân Quang, Lương Tài); hoa chất lượng cao (Tân Quang, Chỉ Đạo); lúa chất lượng cao (Đình Dù, Việt Hưng, Lương Tài); cây kiệu (Lạc Đạo); chăn nuôi gà ở hộ ông Vũ Văn Nghề (Việt Hưng); chăn nuôi lợn tại hộ ông Nguyễn Văn Tung (Lạc Hồng), Đào Duy Tưởng (Lương Tài); chăn nuôi bò sữa tại hộ ông Nguyễn Văn Ý (Minh Hải)...

Ông Vũ Văn Nghề (xã Việt Hưng) cho biết: “Gia đình tôi nuôi gà thương phẩm với 2 giống chủ yếu là gà ba màu và gà Đông Tảo lai. Từ khi áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, việc sử dụng các chất liệu sinh học để lót chuồng góp phần bảo đảm vệ sinh chuồng trại cũng như giảm công lao động, giảm dịch bệnh cho đàn gà”.

Theo tính toán của ông Nghề, từ ngày nhập gà Đông Tảo lai giống về nuôi đến ngày xuất chuồng từ 5 - 6 tháng, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 93%, trọng lượng trung bình đạt khoảng 3kg/con. Giá xuất tại chuồng dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, gà Đông Tảo lai cho lợi nhuận cao hơn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với nuôi các giống gà thông thường. Lợi thế của việc chăn nuôi gà Đông Tảo lai là người chăn nuôi linh hoạt áp dụng hình thức nuôi nhốt chuồng hoặc thả vườn, kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn sẵn có như: ngô, thóc, rau… vừa giảm chi phí đầu vào, vừa bảo đảm chất lượng thịt gà khi xuất bán.

Cam đường canh, cam Vinh - những nông sản sạch có giá trị của HTX sản xuất nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Thắng tham gia hội chợ Nông sản sạch tại Ecopak - Hưng Yên.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân xã Tân Quang hỗ trợ 3 hộ nông dân thôn Nghĩa Trai làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai; phối hợp với UBND huyện hướng dẫn hội viên nông dân xã Đại Đồng xây dựng thương hiệu sản phẩm đúc đồng tại thôn Lộng Thượng; thương hiệu Hoa cúc Chi xã Tân Quang của HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Huyện có 12 sản phẩm của 3 chủ thể (HTX Hoa Thiên Phú; rượu Cúc Vinh và Công ty TNHH E-co-na-shin xã Lạc Đạo) được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Bà Đào Thị May - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Lâm cho biết: “Hiện nay, toàn huyện Văn Lâm có 20.043 hội viên nông dân của 11/11 cơ sở Hội, sinh hoạt tại 79 Chi hội và 123 Tổ hội. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp 7,495 tỷ đồng, đã giải ngân cho 150 hộ vay. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 106,313 tỷ đồng cho 2.487 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện cho 10 hộ vay với số vốn 2,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.

Năm 2022, Hội ND huyện Văn Lâm phối hợp với Trạm BVTV tổ chức 03 hội nghị đầu bờ lớp huấn luyện nông dân về sức khoẻ cây trồng tổng hợp trên lúa vụ xuân tại các xã Đại Đồng, Chỉ Đạo và xã Việt Hưng.

Với những sự hỗ trợ kịp thời đó, những năm gần đây, mỗi năm có trên 4.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,44%.Vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Cùng nông dân xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Cùng với việc hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các Hội cơ sở tích cực tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết quả, các cấp Hội trong huyện đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân tự nguyện đóng góp được trên 45,5 tỷ đồng để xây dựng đường làng ngõ xóm, đình làng, nhà quản trang; hiến hơn 1.200m2 để xây dựng 17,1km đường làng, ngõ xóm, 6km kênh mương nội đồng; tu sửa 21 cầu cống các loại; đóng góp gần 12.200 ngày công lao động tham gia làm đường, thủy lợi nội đồng phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Diện mạo nông thôn mới Xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.

Nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, Hội Nông dân huyện chỉ đạo thành lập được 9 mô hình tự quản bảo vệ môi trường nông thôn; các cơ sở Hội hàng tháng duy trì tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, tổ chức trồng và đảm nhận chăm sóc các tuyến đường nông dân tự quản có 2.590 lượt cán bộ hội viên nông dân tham gia. Đồng thời, Hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp thực hiện tuyên truyền lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và của các cấp Hội với phong trào thi đua “Xây dựng chi Hội 3 không” đạt hiệu quả cao. Chỉ đạo 100% cơ sở Hội duy trì chi Hội “3 Không”. Chỉ đạo các cơ sở tuyên truyền vận động nông dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào 70 bể do tỉnh hỗ trợ ở 03 xã Lương Tài, Việt Hưng, Đại Đồng và duy trì 32 bể thu gom do Hội Nông dân tỉnh cấp.

Để phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở, hội viên, nông dân trong huyện không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Đến nay, toàn huyện có 8/10 xã được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao (trong đó 03 xã: Đình Dù, Lạc Hồng, Tân Quang được công nhận năm 2020; 05 xã: Trưng Trắc, Chỉ Đạo, Đại Đồng, Lương Tài, Việt Hưng được công nhận năm 2022); 2/10 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó: xã Tân Quang được công nhận năm 2021, xã Đình Dù được công nhận năm 2022); 13/79 khu dân cư được Chủ tịch UBND huyện công nhận Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.80/80 làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hoá, đạt 100%; bình quân hàng năm có 15.450 hộ gia đình đăng ký đạt hộ gia đình nông dân văn hóa, kết quả hàng năm có gần 15.000 hộ đạt gia đình nông dân văn hóa, đạt 97%.

Đường giao thông tại xã nông thôn mới Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Văn Lâm tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng huyện Văn Lâm phát triển bền vững”.

Bà Đào Thị May - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Lâm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác