Nghệ An bàn giao sản phẩm khoa học công nghệ đặt hàng từ hoạt động kết nối cung - cầu cho Nhật Bản
Nhận thấy được điều đó, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án: Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía.
Trước khi thực hiện dự án đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận và bàn giao lô sản phẩm thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía tại thị xã Thái Hòa ngày 27/3/2024. Đây là lô sản phẩm khoa học công nghệ được đặt hàng thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ giữa Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An với Nhật Bản.
Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An về ngành Chăn nuôi năm 2023, chỉ tính riêng đàn trâu, bò đạt 801.377 con; Tổng đàn lợn 1.002.783 con. Với con số đó, nếu tận dụng được phế phụ phẩm từ cây mía sẽ giảm tải được lượng rác thải ra môi trường tránh ô nhiễm là điều dễ dàng nhìn thấy rõ. Đặc biệt, khi thành công trong việc ứng dụng thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc sẽ giúp người chăn nuôi giảm được chi phí trong đầu tư.
Hiện nay, cây mía có chiếm vị trí khả ái trong ngành Nông nghiệp của tỉnh Nghệ An. Điều đó có thể nhìn thấy rõ qua số liệu diện tích trồng mía tăng lên hàng năm. Cụ thể: năm 2022 tổng diện tích là 22.560ha, năm 2023 tổng diện tích là 24.000ha. Năng suất trung bình 720 tạ/ha, tổng sản lượng mía nguyên liệu năm 2022 đạt 1.625 nghìn tấn.
Hơn nữa, cây mía trong những năm gần đây là cây giúp nông dân đổi thay về kinh tế. Nguyên liệu mía được các nhà máy mía đường thu mua với giá cao, ổn định. Vị thế cây mía được nâng cao do đó người dân cũng không ngừng có nhiều cải tiến trong cách trồng, chăm sóc để tăng cả về số lượng và chất lượng cho cây mía.
Ở chiều ngược lại, diện tích mía tăng thì phế phụ phẩm từ cây mía thải ra cũng khá lớn. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo quý giá nếu có các giải pháp liên quan đến sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp.
Hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông nghiệp được xem là nguồn tài nguyên tái tạo và là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Xuất phát từ thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm ủ chua từ phụ phẩm cây mía. Quy trình ủ chua thức ăn từ phụ phẩm cây mía này được xây dựng dựa trên các quy trình ủ chua thức ăn từ cỏ, ngô, phụ phế phẩm nông nghiệp,... tạo ra nguồn thức ăn dự trữ có khối lượng lớn cung cấp cho ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và hướng tới xuất khẩu khi đáp ứng đủ các điều kiện từ phía các quốc gia có nhu cầu.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi