Nông thôn mới

Huyện Ân Thi phát triển kinh tế Hợp tác xã phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP

Phạm Kha - 10:26 25/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trước đây, người dân huyện Ân Thi vốn sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ, chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, khí hậu, nhưng nhờ sự sáng tạo, cần cù trong lao động, sản xuất kinh doanh với ưu thế tuyến đường QL 38 đi qua đã tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình, các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển. Các địa phương trong huyện nhanh chóng về đích nông thôn mới (NTM) nhờ chú trọng phát triển các mô hình Hợp tác xã theo hướng hàng hóa.

Kinh tế Hợp tác xã - động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM

Hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia vào các HTX, tạo động lực giúp HTX phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.   

Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, tính đến cuối tháng 9.2023, toàn tỉnh có 228 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có 46 sản phẩm hạng 4 sao, 182 sản phẩm hạng 3 sao. Trong số 86 chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn tỉnh, có 45 HTX đã tham gia với khoảng 80 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Các HTX có sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh như: Nhãn, nghệ, chuối tiêu hồng, vải lai chín sớm, vải trứng Hưng Yên, mật ong hoa nhãn, long nhãn, cam Hưng Yên, sen Hưng Yên, cúc hoa... Việc phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các HTX tham gia chương trình khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Gian hàng quảng bá sản phẩm của HTX sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn tại Hội chợ Thương mại.

HTX sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn, thôn Sa Lung, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi là đơn vị tiêu biểu chú trọng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của HTX Sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn được triển khai từ tháng 1.2018, theo công nghệ Hàn Quốc.. Với diện tích 6.000 m2, HTX chuyên sản xuất các loại nấm rơm, nấm yến Hàn Quốc, nấm sò vua… Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp HTX hoàn thiện quy trình sản xuất nấm theo công nghệ sinh học, khép kín, không phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ vì thế quá trình sản xuất đạt được hiệu quả cao.

Trung bình mỗi tháng, HTX Nam Hàn cung cấp ra thị trường chủ yếu là ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội từ 5-10 tấn nấm các loại. Với doanh thu mỗi năm đạt 3-5 tỷ đồng, HTX không chỉ yên tâm phát triển sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng.

Theo Ban giám đốc HTX, các loại nấm vốn là thực phẩm sạch, rất giàu dinh dưỡng, có thể thay thế thịt, cá và là nguồn dược liệu quý, nên đầu tư vào sản xuất, kinh doanh loại nông sản này không quá khó khăn về đầu ra. Chỉ cần chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng đi đôi với liên kết tiêu thụ thì hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao.

Các sản phẩm của HTX Nam Hàn.

Ông Phạm Văn Khá  - Giám đốc HTX cho biết: “HTX thành lập từ năm 2017, duy trì gần 10 nghìn mét vuông trồng nấm công nghệ cao trong nhà kín. Để hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong các khâu, HTX đã đầu tư các loại máy móc, thiết bị với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, như máy đảo nguyên liệu tự động, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…”.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX Nam Hàn có thể sản xuất nấm quanh năm, ngay cả những khi thời tiết nắng nóng. Với các loại nấm ăn được thị trường tiêu thụ mạnh như nấm rơm, nấm sò yến, nấm sò nâu, nấm sò trắng… được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhiều năm nay HTX xuất bán sản phẩm ổn định cho thị trường.

Mô hình trồng nấm công nghệ cao của HTX Nam Hàn (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi).

Cũng theo ông Phạm Văn Khá, góp sức xây dựng NTM nâng cao, HTX không ngừng đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất nhằm bảo đảm ổn định sản phẩm đầu ra cho thành viên. Hiện nay, 100% diện tích sản xuất của HTX áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và được trồng trong nhà lưới, nhà lạnh. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và liên kết đã giúp HTX hoạt động hiệu quả.  

Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX tạo đột phá

Thực tế xây dựng NTM ơ Hưng Yên thời gian qua cho thấy, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Nhiều HTX đã vận động thành viên đóng góp cùng địa phương xây dựng đường giao thông… Toàn tỉnh có 374 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, doanh thu trung bình của 1 HTX đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Hiệu quả hoạt động của các HTX không chỉ góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí 13 mà còn góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập; tạo việc làm cho người lao động… trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tới nay, 20 xã và 1 thị trấn của huyện Ân Thi đều nhanh chóng về đích NTM nhờ chú trọng phát triển các mô hình HTX theo hướng hàng hóa. Mỗi xã đều có ít nhất 2 HTX hoặc 1 HTX, 1 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị dựa vào việc tận dụng thế mạnh địa phương.

Sản xuất long nhãn tại HTX nhãn Lồng Bảo Tiến, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi.

Qua thực tế hoạt động cho thấy sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho các thành viên tham gia, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Lê Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp trong lĩnh vực phát triển HTX, Chi cục tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản. Từ đó tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Ân Thi nói riêng khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc triển khai, thực hiện chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác