Khát vọng đổi đời từ cây quế - chàng trai dân tộc trở thành `tỷ phú`
Điểm giao dịch xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) bỗng lao xao bàn tán: “Tỷ phú đến rồi kìa!”. Ngoài hiên, anh Giàng A Sáu khệ nệ bê tải tiền và chị vợ bế đứa con nhỏ theo sau. Tổ giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bố trí một bàn, một máy đếm tiền, một cán bộ phục vụ A Sáu đếm tiền.
A Sáu đặt tải tiền xuống sàn nhà, chỉnh lại khẩu trang rồi xếp từng cục tiền lên bàn, anh nói: “Cán bộ cho mình gửi 4 tỷ đồng nhé! Vừa bán đồi quế.” Mọi ánh mắt ngưỡng mộ hướng về vợ chồng A Sáu.
Cây quế được trồng ở xã An Lương khá sớm, tập trung nhiều tại các thôn: Sài Lương 1, Sài Lương 2, Sài Lương 3, Khe Chầu... với khoảng hơn 1.700ha quế.
Tiếng Mông, cây quế gọi là “kỷ phì” và nó không chỉ là cây thuốc, mà còn là cây giảm đói nghèo, cây làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thân, cành, lá, vỏ đều bán được giá cao. Còn gốc, rễ của nó vì khó đào quá, chứ nếu đào được thì người ta cũng thu mua.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Văn Đoàn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích quế đạt 2.200ha. Hiện giá quế sơ chế đạt gần 100.000 đồng/kg; lá quế được thu mua từ 1.500-1.600 đồng/kg; thân quế có chu vi từ 30cm trở lên cũng được thu mua hết, nên diện tích quế sẽ tăng rất nhanh và mục tiêu Nghị quyết đề ra không chỉ đạt sớm sẽ giúp An Lương trở thành "thủ phủ” quế, chẳng thua kém các xã Đại Sơn, Viễn Sơn... ở huyện Văn Yên.
Trở lại với câu chuyện của Giàng A Sáu, có lẽ anh không phải là người có diện tích quế lớn nhất xã An Lương, vì theo cán bộ xã cho biết rất nhiều hộ có tới một vài chục ha. Nhưng Giàng A Sáu có sự khác biệt và cái sự "khác biệt” ấy, chúng tôi được nghe từ chính A Sáu kể lại.
“Khách hàng gửi tiết kiệm có quyền được giữ bí mật, giữ bí mật để đảm bảo an toàn, an ninh. A Sáu có sẵn sàng cởi mở câu chuyện của mình không?”. Nghe chúng tôi đặt câu hỏi, Giàng A Sáu liền bảo: "Không có gì phải bí mật hết! Cả xã đều biết mình vừa bán đồi quế 4 tỷ đồng rồi. Về an toàn, an ninh, tiền mình đã gửi tiết kiệm hết và trong nhà chỉ có mấy cuốn sổ tiết kiệm nên khỏi lo. Xin được chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người biết và cùng nhau có đồi quế tiền tỷ.”
Những năm 90 của thế kỷ trước - cái thời mà cả làng, cả bản đều nói A Sáu là người không ra gì. Bố anh cũng nói như thế. Có lẽ, vì anh không chịu lấy vợ ở tuổi 14, 15 hay 16 như các bạn cùng lứa. Anh thường xuyên bỏ làng, bỏ bản để đi và đã vượt qua nhiều ngọn núi, đến nhiều khu rừng cả trong và ngoài tỉnh. Anh đi để tìm mảnh đất khác vì quê anh không có ruộng, không có đường, không có điện và nguồn nước cũng khá hiếm. Và anh cũng đã tìm được những nơi ưng ý nhưng không thuyết phục được mọi người ra đi. Anh ấm ức lắm.
Nhưng về sau anh đã hiểu du canh, du cư là sai. Không đâu bình yên bằng chính quê hương của mình. Nghĩ được vậy, anh đã yên tâm ở lại và tích cực trồng quế. Năm 27 tuổi, anh lấy vợ rồi tìm đến khe nước làm nhà để ổn định cuộc sống. Không phá rừng thì còn nước, muốn nước đủ quanh năm thì trồng nhiều rừng. Nghĩ là làm, rừng quế của anh cứ tăng dần, tăng dần, từ quanh nhà, quanh vườn, lan lên đồi, lên núi.
Với Giàng A Sáu, cây quế là cây lâu năm, cây càng to càng có giá trị, vì thế phải có giải pháp để lo cái trước mắt. Và giải pháp của Giàng A Sáu chính là 3 năm đầu tiên anh trồng lúa, ngô, khoai, sắn vào nương quế để đỡ phải làm cỏ, hạn chế mưa lũ làm xói mòn đất màu và trồng xen lẫn cây màu còn giúp cây quế vươn cao hơn nhờ kích thích phát triển để tranh chấp ánh sáng và giữ ẩm cho đất. Tiếp đến, anh trồng quế thật mau để bóc tỉa dần... Có ngô, có gạo là đủ cơm cho người, đủ nguồn thức ăn nuôi gà, lợn.
Bài toán lấy ngắn nuôi dài được Giàng A Sáu giải một cách đơn giản như vậy. Tiếc là, anh chưa cho nhiều người trong làng, trong bản học theo và cũng vội bán quế non nên sản lượng thấp, vỏ mỏng, giá rẻ khiến tiền thu về chẳng được nhiều. Tuy nhiên, niên vụ 2019, Giàng A Sáu đã bán đồi quế được 3 tỷ đồng và có lẽ đây là món tiền bán quế lớn nhất không chỉ ở An Lương mà cả huyện Văn Chấn.
Anh gửi toàn bộ số tiền đó vào Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn. Năm vừa rồi, anh rút một phần để xây ngôi nhà lớn. Đầu tháng Sáu vừa qua, thương lái năn nỉ mua một đồi quế khác của A Sáu và anh đã đồng ý bán với giá 4 tỷ đồng - phá luôn kỷ lục thu nhập từ bàn tay gieo trồng ở vùng quê Văn Chấn. Toàn bộ số tiền này, anh đem gửi tiết kiệm tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn và thiết lập luôn kỷ lục người có số tiền gửi cao nhất ở Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thời gian ở An Lương, chúng tôi cảm nhận được ước muốn của đồng bào các dân tộc nơi đây đó là có đường, có điện. Nếu điện lưới quốc gia về bản thì nhiều nhà sẽ có các phương tiện nghe nhìn, sẽ áp dụng máy móc vào sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo sẽ giảm rất nhanh. Có đường, bà con không phải mua vật tư, thiết bị với giá cao, nhất là xi măng, sắt thép, gạch ngói để xây nhà. Đặc biệt, có đường tốt, số ôtô trong xã sẽ tăng gấp cả chục lần so với hiện nay.
Giàng A Sáu chia sẻ: "Khi có đường tốt, mình cũng sẽ rút một phần tiết kiệm để mua xe ôtô thỉnh thoảng đưa vợ con đi đây đó nghỉ ngơi.”
Nghe anh nông dân người Mông nói, nhất là bộ dạng hơi lam lũ của anh, khiến chúng tôi nể phục. Dự án đường Nghĩa Lộ-Mậu A đi qua xã An Lương đang tích cực triển khai; công nhân điện lực đang dựng cột, kéo dây để mở rộng khu vực dân cư An Lương được sử dụng điện.
Vậy là, ước mong của đồng bào An Lương sẽ sớm trở thành hiện thực. Không lâu nữa, người Mông, người Dao, người Tày ở An Lương dùng xe ôtô chở tiền đi gửi tiết kiệm, bán được quế tiền tỷ để xây nhà, mua xe hơi sẽ thành hiện thực./.
Theo Vietnam +