Nông thôn mới

Khôi phục làng nghề truyền thống, bắt đầu từ đâu?

17:44 02/06/2017 GMT+7

Cách đây vài năm, mặc dù sở Công thương Hà Nội đã có đề án khôi phục các làng nghề truyền thống đang ở tình trạng mai một, thất truyền nhưng trên thực tế việc này không hề dễ vì hầu như các làng nghề đã thất truyền, không còn nghệ nhân hoặc nếu có thì thu nhập thấp nên chẳng ai muốn giữ nghề…

Huyện Hoài Đức là một trong ba địa phương từng nức tiếng bởi có làng nghề làm giấy dó ở xã Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (cả nước có tranh đông hồ Bắc Ninh và tranh sơn mài Kim Hoàng và tranh Hàng Trống). Nhưng ở đây hiện chỉ còn lưu lại hai bức tranh sơn mài Kim Hoàng chính hiệu từ ngày xưa, treo trong nhà truyền thống và suốt ngày được “niêm phong” chỉ khi nào “có lệnh” mang đi triển lãm ngoài Hà Nội hay lễ tết gì đó thì mới được “lộ diện”. Theo ông trưởng ban Khánh tiết đình làng Kim Hoàng Nguyễn Thế Khiết, người giữ cái chìa khóa phá tan bức “niêm phong” thì hiện tại; “chỉ còn duy nhất hai bức này ngoài ra những bức khác còn lưu lạc trong dân gian hoặc ở những nơi khác thì không biết…”

Bức tranh Kim Hoàng còn lại ở nhà truyền thống làng Kim Hoàng, Vân Canh, Hoài Đức

Để có một sản phẩm tranh Kim Hoàng, những nghệ nhân Hoài Đức “xưa” phải trải qua nhiều giai đoạn, lấy không ít mồ hôi, công sức của người nghệ nhân mới được tạo thành. Cụ thể với bức tranh con lợn hay con gà còn lại ở nhà truyền thống làng Kim Hoàng thì đầu tiên phải làm giấy dó loại tốt sau đó in hình muốn tạo lên (ở đây là hình con gà, con lợn) sau đó đến công đoạn nghệ nhân pha màu và dùng màu tô lên thì mới hoàn thành chứ không phải chỉ in một lần là “ăn ngay”, mà những màu sắc này do các nghệ nhân ở đây tạo ra chứ không ở đâu có. “Hôm tôi mang tranh đi triển lãm, khách nước ngoài người ta thích lắm nhưng mà chịu không thể làm được. Đem ba loại tranh (tranh đông hồ Bắc Ninh và tranh sơn mài Kim Hoàng và tranh Hàng Trống) so cùng nhau thì hai loại kia thua tranh Kim Hoàng ở cái màu, nhưng hiện trên thị trường bán khó lắm…” ông Khiết cho biết sau một lần mang tranh đi triển lãm.

 “Giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng “chỉ còn trong ký ức… Bên quản lý di tích cổ Hà Nội về đây có nói nếu khôi phục làng nghề làm tranh thì bước đầu sẽ cấp kinh phí, nếu mất khuôn thì sẽ làm lại khuôn cho nhưng nhưng chịu, thanh niên không ai làm, giá rẻ công thấp, hơn nữa bỏ lâu lắm rồi chẳng ai biết làm nữa” đại diện UBND xã Vân Canh tâm sự.

Nói đi cũng phải nói lại, Sở công thương Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2030 thành phố sẽ tập trung bảo tồn và khôi phục 21 làng nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Mà trước mắt là tập trung bảo tồn và khôi phục 10 làng nghề gồm tết thao làm quai nón Triều Khúc, sơn mài Đông Mỹ (Thanh Trì); giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (Hoài Đức); dệt the La Khê (Hà Đông); gốm Phú Sơn (Sơn Tây); đúc đồng Ngũ Xã, giấy dó Bưởi (Ba Đình); dâu tằm tơ Thụy An (Ba Vì), Đẹp Thôn (Mê Linh). Những năm tiếp theo sẽ bảo tồn và khôi phục 11 làng nghề là nón lá Đại Áng (Thanh Trì); nhạc cụ Đào Xá (Ứng Hòa); dệt the, lụa Cổ Đô (Ba Vì); tre trúc Xuân Thủy (Sóc Sơn); giấy sắc Nghĩa Đô (Cầu Giấy); gốm Tô Hiệu (Thường Tín); dâu tằm tơ Tráng Việt, Đông Cao (Mê Linh); thêu ren Hạ Mỗ (Đan Phượng); dệt chồi, lượt Phùng Xá (Thạch Thất); nghề ren Bình Đà (Thanh Oai).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở các làng nghề đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền, mà điển hình là làng nghề làm giấy dó ở xã Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (Hoài Đức) hiện không còn nghệ nhân, không còn thợ, không còn người biết vẽ, biết đan, biết làm giấy dó, đúc đồng thì biết phải bắt đầu khôi phục làng nghề từ đâu?. Qua khảo sát tại một số làng nghề thuộc danh sách những số trên thì hầu hết các làng nghề đều trong tình trạng “mất dấu”, những sản phẩm nghề truyền thống còn sót lại được cất kỹ trong nhà truyền thống, nghệ nhân đã không còn từ mấy chục năm nay, con cháu nghệ nhân cũng chẳng ai kế tục nghề của cha ông. Giấy Dó Bưởi từ lâu đã không còn ai làm, dệt quai thao Triều Khúc thì nghệ nhân cuối cùng trong làng cũng đã mất, làng đúc đồng Ngũ Xã nay đã khác xưa, làng đã chuyển thành phố với những ngôi nhà cao tầng nằm san sát, chẳng còn thấy đâu bóng dáng của một làng nghề đúc đồng nức tiếng “trong làng, ngoài nước…”. Người dân làng đã chuyển sang nghề khác hoặc đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Bản thân làng Ngũ Xá giờ là phố phở cuốn rất nổi tiếng…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp như hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu, nhất là làng nghề truyền thống; nâng cao vai trò của các tổ chức Hội, Hiệp hội, chính quyền cấp xã, thôn và các doanh nghiệp trong các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu làng nghề tới khách hàng trong và ngoài nước. Xúc tiến thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, lập đề án xây dựng đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm, tiến tới thành lập trung tâm thiết kết mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp thành phố; khuyến khích hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hội thi về sáng tác mẫu mã sản phẩm cho các làng nghề do các tỉnh, thành phố khác tổ chức.

Thế nhưng mặc dù được hứa tài trợ kinh phí để khôi phục lại làng nghề nhưng đa số các làng nghề trên đều “chịu” vì không còn nghệ nhân biết nghề nữa, đầu ra cho sản phẩm không có, tranh giờ bán cho ai?. Hơn nữa tiền công từ loại hình nghề truyền thống này quá rẻ mạt chỉ có một hai chục thì ai làm?. Đó là hàng loạt các câu hỏi “khó” mà vị đại diện UBND xã Vân Canh nói xa xả với tôi và cho rằng trước khi bắt tay vào khôi phục một làng nghề truyền thống nằm trong diện “mai một, thất truyền” thì những điều đó là cần phải biết. Chợt nghĩ ở cái nơi “xa xôi, nhà quê” như huyện Hoài Đức mà làng nghề còn chẳng có sức sống thì những làng nghề ở giữa thủ đô, tốc độ phát triển như vũ bão đó thì những đồng lợi nhuận bé cỏn con từ những nghề làm giấy dó Bưởi, làng đúc đồng Ngũ Xá có ai còn mặn mà?

Dẫu vẫn biết các làng nghề truyền thống một khi được khôi phục, bảo tồn sẽ tái hiện lại bức tranh sống động về một thời hoàng kim của dân tộc ta mấy trăm năm nay, để lớp lớp con cháu có thể biết ông cha chúng ra đã sáng tạo như thế nào trong những năm tháng túng thiếu ấy, để thế giới biết về một Việt Nam có cả ngàn năm văn hiến nhưng đứng trước một thách thức có vẻ “bé bỏng” vậy thì làm cách nào để khôi phục các làng nghề truyền thống vẫn còn là một dấu hỏi, một ẩn số.

Xuân Vũ 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác