Công tác Hội

Kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của Hội Nông dân Việt Nam

Kiều Anh - 18:45 18/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sáng ngày 18/11, tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN), ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, Thành viên Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ T.Ư Hội NDVN và bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành viên Ủy Ban Quốc gia, Trưởng đoàn kiểm tra cùng chủ trì buổi làm việc về Kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ T.Ư Hội NDVN.

 

Cùng dự buổi làm việc về phía T.Ư Hội NDVN có ông Phạm Xuân Hồng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hội, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ T.Ư Hội NDVN; Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hội, Phó Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ T.Ư Hội NDVN; cùng các thành viên Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ T.Ư Hội NDVN.

Về phía Đoàn kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của Phụ nữ, cùng tham dự có bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ , Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch; ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia Đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Đào Thị Vi Phương, Phó trưởng ban Chính sách, Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số thành viên trong Đoàn.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành viên Ủy Ban Quốc gia, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành viên Ủy Ban Quốc gia, Trưởng đoàn kiểm tra  cho biết: Đoàn Kiểm tra rất muốn nắm được tình hình công tác và triển khai hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ của Hội NDVN trong thời gian vừa qua. Được biết, trong những năm qua, Hội NDVN đã làm rất tốt chương trình chăm lo sức khỏe phụ nữ nông thôn, nhất là nữ hội viên nông dân, trên cơ sở những việc đã làm được thì Hội NDVN  có thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là những đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách cần nêu trong buổi làm việc này để Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ Phụ nữ Việt Nam tổng hợp các ý kiến.

Qua buổi làm việc này, Đoàn Kiểm tra rất mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay của Hội đã thực hiện triển khai chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ từ cấp T.Ư đến các cấp cơ sở được đánh giá rất thiết thực và hiệu quả, như chương trình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình Hội NDVN đã làm rất tốt. Qua đợt kiểm tra này hai bên cùng nhau đôn đốc để triển khai thực hiện nhiệm vụ cho những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao.

Trình bày báo cáo hoạt động của Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Phạm Xuân Hồng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hội, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ T.Ư Hội NDVN đã nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Thường trực T.Ư Hội và Thủ trưởng cơ quan T.Ư Hội, trong năm qua, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Cơ quan đã thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, đảm bảo bình đẳng giới trong việc thực hiện chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cơ quan đảm bảo cân đối, hài hòa nam - nữ giữa các ban, đơn vị.

Công tác đào tạo, phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ luôn được quan tâm nhất định. T.Ư Hội đã luôn tranh thủ vận động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân nữ thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế cho hoạt động của sự tiến bộ phụ nữ.

Đoàn Kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ chụp ảnh lưu niệm với Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ Hội NDVN

Công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới của Cơ quan T.Ư Hội đã được lồng ghép hiệu quả với nhiều nội dung thiết thực trong công tác chuyên môn của các ban, đơn vị trực thuộc. Cụ thể:

Năm 2022, T.Ư Hội NDVN phối hợp với Hội Nông dân một số tỉnh, thành mở 20 lớp tập huấn về chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn; 10 lớp tập huấn về sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 20 lớp tập huấn về nâng cao năng lực và nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã với khoảng 4.000 cán bộ, hội viên nữ tham gia. Tổ chức 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội cấp cơ sở, giảng viên kiêm chức, số lượng nữ tham gia là 205 người; mở 11 lớp đào tạo hệ trung cấp thú y với tổng số  397 học viên, trong đó có 170 học viên là nữ; 19 lớp sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 630 lao động nông thôn, số học viên nữ là 350 người; năm 2022, có 28 học viên đã tốt nghiệp và được cấp bằng Trung cấp, trong số đó có 10 học viên là nữ, có 01 học viên nữ được khen thưởng thành tích xuất sắc trong học tập.

Thông qua 14.802 dự án đã có hơn 25 nghìn nữ hội viên, nông dân được vay vốn khôi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh sau Covid-19, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ hội viên nữ mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm, tổ chức cho hội viên nữ đi tham quan, học tập những mô hình dự án hay, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản … giúp nữ hội viên phát huy hiệu quả đồng vốn, dần vươn lên thoát nghèo và trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Về công tác truyền thông các kiến thức về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được tiếp tục vận hành. T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp quốc Việt Nam (UNFPA) tổ chức Lễ công bố Đường dây nóng miễn phí hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Tính đến ngày 30/9/2022, sau hơn 10 tháng hoạt động, tổng đài đã tiếp nhận được hơn 9054 cuộc gọi đến hỗ trợ cho 944 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nội dung các cuộc gọi tố cáo hành vi bạo lực gia đình, tham vấn cách giải quyết chiếm 85%, chủ yếu là các sự việc bạo lực gia đình nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm hoặc các hành vi nguy hiểm (như bóp cổ, đánh vào đầu, dùng dao chém, đánh gãy tay, chửi mắng thường xuyên, dọa giết, say rượu, nghiện bài bạc, lô đề, kiểm soát tiền bạc …).

Trong tháng hành động về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 sẽ có chủ đề Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Tháng hành động sẽ được diễn ra từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/12/2022. T.Ư Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em; chính sách an sinh xã hội; vai trò của việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy bình đẳng giới… nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi của từng thành viên trong gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em với các chủ đề của Tháng hành động để tạo sức lan tỏa và thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền và biểu dương những cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và có hình thức nhân rộng điển hình tại địa phương… bằng các hình thức phù hợp.

Tại buổi làm việc các thành viên trong Đoàn Kiểm tra đã đánh giá cao, ghi nhận, đồng tình với các hoạt động của Hội NDVN vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian qua. Mặc dù không có nguồn lực chi riêng cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ nhưng Hội đã biết vận dụng các nguồn lực khác để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ nông thôn được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, được dạy nghề và tạo việc làm cho họ…

Tại buổi làm việc các thành viên trong đoàn kiểm tra đưa ra một số câu hỏi và mong được chia sẻ kinh nghiệm về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, công tác đào tạo nghề…

 “Trong thời gian tới, trong triển khai nhiệm vụ yêu cầu Hội NDVN cần có chiến lược dài hơn cho phù hợp với hoàn cảnh; chú trọng công tác bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ; tăng cường liên ngành trong công tác bình đẳng giới…”, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành viên Ủy Ban Quốc gia, Trưởng đoàn kiểm tra  nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, Thành viên Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ T.Ư Hội NDVN  phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc,  ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cảm ơn Đoàn Kiểm tra đã đặt câu hỏi để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác cán bộ, về công tác kiểm tra, công tác đào tạo nghề… Hội có nhiều chương trình hợp tác với các bộ, ban ngành ví dụ như: chương trình đào tạo nghề, giảm nghèo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); chương trình  phối hợp về an toàn thực phẩm phối hợp với chương trình của Chính phủ; chương trình phát triển kinh tế tập thể phối hợp với Liên minh Hợp tác xã; Chương trình do Liên Hiệp quốc (UNFA) tài trợ nhiều năm nay từ chăm sóc sức khỏe cho đến bình đẳng giới…

Đồng thời, Hội NDVN luôn được mời tham gia ban chỉ đạo giúp việc, ban soạn thảo các văn bản liên quan đến Bình đẳng giới, gia đình, phụ nữ… cho các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Ban Xã hội xủa T.Ư Hội là nơi tham mưu và thực hiện chỉ đạo của T.Ư Hội xuống các cấp Hội ở cơ sở triển khai thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, Hội NDVN rất được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Nhà nước về  tham gia thực hiện và phối thực hiện các chương trình đề án phát triển kinh tế xã hội nông thôn.  Hiện Hội có một hệ thống Trung tâm hỗ trợ nông dân (có 57 Trung tâm Hỗ trợ nông dân), Trường đào tạo cán bộ, Trường dạy nghề nông dân

Về cơ cấu cán bộ của Hội, muốn vào cơ cấu BCH phải có đề án nhân sự, Đại hội 5 năm 1 lần, trong đề án có quy định cơ cấu tỉ lệ; năm 2023, Hội NDVN tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN sẽ đưa tỉ lệ bổ sung 21% cán bộ nữ vào làm công tác quản lý.

Về kiểm tra giám sát của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Hội NDVN, Hội luôn lồng ghép chương trình vào các nội dung hoạt động khác, T.Ư kiểm tra giám sát vì sự tiến bộ của địa phương chỉ đạo theo ngành dọc. Hội đang xây dựng đề án xây dựng phần mềm quản lý hội viên.

Hội đề nghị Bộ LĐTBXH quan tâm hơn đến chương trình giảm nghèo; tạo điều kiện cho Hội NDVN được thực hiện tham gia các chương trình, dự án quốc gia có liên quan đến phụ nữ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục
Tin khác