Kiên Giang từng bước phát triển mô hình tôm - lúa hữu cơ
Những ngày này, bà con nông dân hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh đang hết sức phấn khởi, vì lúa trúng mùa, được giá, lại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm mô hình tôm lúa hữu cơ. Từ đây, tiếp tục mở ra triển vọng nâng cao giá trị cho cây lúa trồng trên nền đất nuôi tôm, trước kia vốn yếu thế và khó cạnh tranh với các vùng chuyên canh lúa.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã tôm cua lúa Thạnh An cho biết, năm 2016 khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 13 thành viên, diện tích chưa đến 20 ha. Lúc ấy, bà con nông dân vẫn canh tác theo tập quán truyền thống. Vụ lúa gieo sạ không đồng loạt, vụ tôm cũng mỗi người một khung lịch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, dẫn đến năng suất thấp, đời sống bấp bênh.
Thế nhưng kể từ vụ mùa năm 2017 trở đi, nhờ mạnh dạn hưởng ứng chủ trương của phòng nông nghiệp, HTX tôm cua lúa Thạnh An trở thành hợp tác xã tiên phong kí kết sản xuất lúa hữu cơ với công ty. Giờ đây, đời sống của thành viên trong hợp tác xã đã thay đổi rõ rệt.
“Đầu tiên làm thu nhập cũng bấp bênh đủ xài chi phí cho gia đình nhưng từ khi chuyển qua vụ tôm lúa, đặc biệt nhất là lúa bán được giá lại bao tiêu sản phẩm bà con rất đồng tình. Hiện nay, kinh tế gia đình mình rất phấn khởi. Đối với mô hình nuôi tôm trồng lúa hữu cơ, phân hữu cơ kể cả thuốc hữu cơ rất có lợi cho việc nuôi tôm về sau thậm chí đang nuôi tôm nhưng sử dụng phân hữu cơ này kết hợp luôn con tôm nên rất tốt cho môi trường”, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX tôm cua lúa Thạnh An cho biết.
Qua 4 vụ sản xuất lúa hữu cơ, hợp tác xã đã tăng từ 13 thành viên lên 61, diện tích cũng tăng từ 20 ha lên gần 130 ha vào năm 2021. Ngoài lợi ích kinh tế trước mắt là được bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với mức giá ổn định, việc canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm còn đem lại nhiều giá trị mang tính lâu dài như: giúp bảo vệ sức khỏe cho nông dân, cải tạo chất lượng thổ nhưỡng, giúp duy trì ổn định năng suất lúa, tăng năng suất vụ tôm,…
Trên những cánh đồng lúa vàng óng, tiếng máy suốt xen với tiếng cười nói rộn ràng. Vụ mùa năm nay, lúa hữu cơ của hợp tác xã Thạnh An đạt năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha, công ty kí kết bao tiêu từ đầu vụ với giá 6.800 đồng/kg. Lúa trúng mùa, được giá, ông Nguyễn Văn Trí, thành viên HTX tôm cua lúa Thạnh An không giấu được niềm vui: “Hợp tác xã này có nhiều cái lợi cho mình. Nông dân cũng đỡ, nghĩa là thu hoạch lúa có công ty xuống lấy liền. Thời điểm năm trước mình thu hoạch lúa phải đợi ghe ở ngoài”.
Mỗi năm, An Minh có khoảng 23.000 ha sản xuất theo mô hình tôm lúa. Từ khi ngành nông nghiệp định hướng chuyển đổi vụ lúa mùa sang sản xuất hữu cơ được xem là giải pháp hàng đầu giúp nâng cao giá trị nông sản của huyện. Cây lúa mùa trước kia vốn cho năng suất thấp và gần như không đủ sức cạnh tranh với những vùng chuyên canh lúa, thì giờ đây khi đã trở thành lúa sạch, hữu cơ lại tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
“Huyện chủ yếu là mô hình tôm lúa. Về sản lượng thì bình quân khoảng 4,5 tấn – 5 tấn. Chúng tôi đã xác định phát triển lúa theo hướng nâng cao giá trị còn sản lượng thì tầm đó không thể nâng cao hơn nữa do mình sản xuất con tôm. Như vậy, khi giá trị cây lúa lên thì người dân tiếp tục duy trì mô hình tôm lúa, tránh 1 số nơi không sản xuất lúa làm cho hiệu quả nuôi tôm thấp hơn”, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó phòng NN và PTNT huyện An Minh cho biết thêm.
Đầu năm nay, bà con nông dân trồng lúa hữu cơ ở An Minh có thêm tin vui là được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm 500 ha mô hình tôm lúa hữu cơ, kèm theo nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất. Ngành nông nghiệp huyện cũng đang chuẩn bị hoàn thành thủ tục trình đăng ký chứng nhận OCOP cho lúa hữu cơ An Minh để xây dựng thương hiệu, tạo kênh quảng bá lâu dài, giúp bà con phát triển kinh tế bền vững./.
Theo VOV