Kon Tum: Trung tâm GDNN, trường nghề khẳng định vai trò chủ đạo trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nâng cao vai trò chủ đạo của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, trường nghề
Đối với Kon Tum, địa phương nằm ở cực Bắc Tây Nguyên phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập thấp, trình độ học vấn có hạn, việc tiếp xúc với kỹ thuật và xu thế phát triển của xã hội còn nhiều hạn chế thì việc đào tạo nghề nông thôn lại càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tỉnh Kon Tum đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho LĐNT; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề cho LĐNT; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT và chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum khai giảng lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn thịt tại xã Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi) ngày 02/11/2022 vừa qua. Ảnh: BTT
Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác đào tạo nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức phong phú, đa đạng, phù hợp với từng đối tượng. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho giáo viên và cán bộ quản lý các chính sách về đào tạo nghề để phục vụ công tác tuyển sinh và vận động nhân dân tham gia học nghề.
Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở GDNN, gồm: 08 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên, 01 trường Cao đẳng Cộng đồng và 02 Trung tâm GDNN tư thục đào tạo nghề lái xe; 09/10 huyện, thành phố có cơ sở GDNN đứng chân trên địa bàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề công lập được đầu tư mua sắm; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN được củng cố về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh.
Từng bước đổi mới và đa dạng hóa các phương thức đào tạo nghề cho LĐNT, các cơ quan, địa phương liên quan đã thực hiện 98 cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề trên 76.966 hộ với 193.906 người trong độ tuổi lao động. Qua đó, xác định 24.389 người có nhu cầu học nghề (thời hạn dưới 3 tháng là 9.591 người, chiếm tỷ lệ 39,32% và sơ cấp nghề 11.116 người, chiếm tỷ lệ 45,58%). Trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN cập nhật các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để bổ sung, hoàn thiện các chương trình, giáo trình đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về dạy và học, phù hợp với mục tiêu đào tạo; phân bổ hợp lý thời lượng giữa lý thuyết và thực hành; danh mục thiết bị đào tạo được xây dựng phù hợp với chương trình, giáo trình giảng dạy theo từng nghề.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 22.467 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp (trong đó, có 10.195 lao động nữ, 3.442 lao động thuộc hộ nghèo, 897 lao động thuộc hộ cận nghèo, 1.594 người khuyết tật, 16.633 người dân tộc thiểu số và 258 người thuộc đối tượng chính sách). Số nông dân có việc làm sau đào tạo nghề là 20.856 người (chiếm 92,8%); nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM, giúp các địa phương sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo nghề; so với Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, đã có 85/85 xã đạt chuẩn về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh BTT
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số thanh niên nông thôn được đào tạo các cấp trình độ là 15.948 người (trong đó, nữ 6.960 người, hộ nghèo 1.459 người, hộ cận nghèo 214 người, khuyết tật 462 người, dân tộc thiểu số 14.057 người, đối tượng chính sách 16 người). Thanh niên sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định. Theo thống kê, số thanh niên nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề là 15.102 người, chiếm 94,7%.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đa dạng hình thức đào tạo giúp người lao động có nghề cơ bản
Trong tháng 11/2022, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã tổ chức khai giảng và bế giảng các lớp dạy nghề nông thôn như: Khai giảng lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn thịt (đào tạo 2 tháng) tại xã Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi) vào ngày 2/11/2022; Khai giảng lớp Chăm sóc sắc đẹp (đào tạo 2 tháng) tại xã Đăk Cấm (TP. Kon Tum) và Bế giảng lớp Trồng, chăm sóc Sầu riêng (đào tạo 1 tháng) tại xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) vào ngày 3/11/2022; Bế giảng lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc Mắc ca (đào tạo 2 tháng) tại xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) vào ngày 4/11/2022.
Bế giảng lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc Mắc ca tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: BTT
Tùy theo đặc thù của mỗi địa phương (xã, huyện) và nhu cầu thực tế của người dân, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã triển khai, rà soát và tổ chức đào tạo sát với thực tế, giúp người dân có được những phương thức chăn nuôi, trồng trọt đúng kỹ thuật, có được nghề cơ bản để mang lại các giá trị kinh tế cho bản thân và gia đình.
Với mục tiêu đào tạo nghề cho LĐNT để thay đổi nhận thức của người dân địa phương, có được nhân lực chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công. Nhà trường đã triển khai đào tạo với nhiều hình thức khác nhau phù hợp với định hướng chủ trương của Chính phủ: Đào tạo mới, đào tạo lại để làm tốt những việc đang làm hoặc chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đào tạo nghề phù hợp với xu hướng và nhu cầu của xã hội cùng với đó các chương trình, giáo trình được xây dựng, cập nhật một cách phù hợp.
Bế giảng lớp Trồng, chăm sóc Sầu riêng tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: BTT
Đây là những khóa đào tạo được tổ chức với thời gian ngắn nên việc chú trọng kỹ năng nghề và thực hành luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu nhằm mang lại những hiệu quả tích cực cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng còn những khó khăn, hạn chế như: Một số lao động qua đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa duy trì được nghề lâu dài; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, thiếu quan tâm đến vấn đề đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo nghề; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề chưa được đồng bộ; chưa phát huy hết công năng các cơ sở GDNN-GDTX; người lao động chưa nhận thức, đánh giá được đầy đủ mục đích, vai trò của công tác đào tạo nghề cho LĐNT để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, còn tâm lý ngại đi học nghề; nhu cầu người học, thị trường lao động thay đổi và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nên một số thiết bị đào tạo sau thời gian sử dụng không còn phù hợp...
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm