Lái xe sử dụng ma túy sẽ bị xử lý thế nào?
Gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước liên tục phát hiện tình trạng tài xế sử dụng ma túy khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Bởi, thực tế đã có nhiều sự việc đau lòng, những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy bị ảo giác.
Điều đáng nói, trong những sự việc bị phát hiện vừa qua đều là người điều khiển xe tải, xe khách và lưu thông trên các tuyến cao tốc. Để xảy ra tình trạng này, ngoài trách nhiệm của người tài xế có một phần trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng. Để giảm bớt tình trạng này, mới đây, ngày 1/3, Bộ Công an ban hành kế hoạch CSGT toàn quốc tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Thời gian thực hiện liên tục và kéo dài trong cả năm 2022.
PV VOV.VN trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
V: Thưa Đại tá Nguyễn Quang Nhật, từ ngày 1/3, CSGT toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Xin ông cho biết kết quả kiểm tra, xử lý sau những ngày đầu ra quân?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Kế hoạch này thực hiện từ ngày 1/3 cho đến hết 31/12/2022. Theo đó, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT công an các đơn vị địa phương huy động trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trong cả năm 2022.
Sau 1 tuần (từ ngày 1/3 đến hết ngày 7/3/2022) thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 2.862 trường hợp vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong đó, có 2.831 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (ô tô 111 trường hợp, mô tô 2.718 trường hợp); 31 trường hợp dương tính với ma túy (ô tô 15 trường hợp, mô tô 16 trường hợp).
Riêng Cục CSGT đã xử lý 14 trường hợp dương tính trên các tuyến cao tốc, chiếm gần 50% tổng số lượng CSGT toàn quốc đã xử lý. Qua đó phạt tiền hơn 13.1 tỷ đồng, tước GPLX 1.758 trường hợp, tạm giữ 2.862 phương tiện.
Với sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT đã góp phần chuyển biến rõ rệt về việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông. TNGT trong 7 ngày CSGT thực hiện xử lý cồn, ma túy giảm cả 3 tiêu chí, trên cả 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Cụ thể TNGT xảy ra 119 vụ, làm chết 71 người, bị thương 68 người. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trên đường bộ. TNGT trên đường thủy nội địa và TNGT đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra. So với 07 ngày trước đó giảm 43 vụ (-26,54%), giảm 27 người chết (-27,56%), giảm 48 người bị thương (-41,38%). TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm 01 vụ, giảm 17 người chết trên đường thủy nội địa.
Trước đó, sau 2 tháng thực hiện đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết vừa qua, CSGT đã phát hiện gần 27.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 225 trường hợp dương tính với ma túy. Tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích có diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
PV: Tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích có diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Đầu tiên chúng tôi khẳng định, việc lực lượng CSGT xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Tôi cũng không đồng tình với những ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, mức phạt như hiện nay ở Nghị Định 100 cũng khá là cao.
Cụ thể, trong quy định xử phạt nồng độ cồn, mức cao nhất là 30-40 triệu đồng. Và trong cơ thể có chất ma túy mà điều khiển ô tô, mức phạt cũng lên đến 30-40 triệu đồng, tước GPLX lên đến 24 tháng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải đánh giá cả một quá trình. Cụ thể là việc quản lý người lái xe, nhất là người kinh doanh vận tải.
Bởi, trong quá trình kiểm tra vi phạm, nhất là vi phạm về người điều khiển và sử dụng chất ma túy, chúng tôi nhận thấy một lượng lớn thuộc về người lái xe kinh doanh vận tải, xe tải, xe contener. Cá biệt, có một số trường hợp người lái xe khách cũng có chất ma túy trong cơ thể. Điều này, rất nguy hiểm, và cũng đặt ra cho chúng ta vấn đề là quản lý người lái xe như thế nào.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận từ nhiều vấn đề. Từ doanh nghiệp quản lý vận tải, theo tôi, đã đến lúc họ cần phải nghĩ rằng, không phải chỉ đơn thuần là tiếp nhận người lái xe theo nhu cầu của mình, kiểm tra người lái xe xem có bằng lái xe phù hợp hạng xe mình thuê để điều khiển hay không?. Mà chúng ta cũng cần phải quan tâm đến những vấn đề khác như sức khỏe, quá trình lái xe an toàn. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe đầu vào, cũng cần phải kiểm tra đột xuất, qua đó, mới phát hiện được lái xe đó có dương tính ma túy hay không.
Nếu người lái xe vi phạm, cơ quan quản lý người lái xe cần thay đổi trong quản lý, giám sát lái xe và vi phạm của họ. Ví dụ, khi lái xe vi phạm nồng độ cồn, hay vi phạm ma túy ngoài việc bị xử phạt hành chính, tước GPLX, và kết thúc công việc thì cũng cần có đánh dấu, hoặc có biện pháp quản lý nhà nước nào để ngăn chặn và phòng ngừa người lái xe.
Ví dụ, chúng ta phải có lịch sử lái xe an toàn và chính đó là điều kiện để người lái xe có thể xin việc. Qua đó, có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng biết mình là người lái xe an toàn, ổn định, giúp cho công ty tuyển dụng mình hoạt động tốt lên. Và ngay chính việc cấp đổi như thế, cũng hợp lý hơn. Vấn đề này cũng có đề xuất, áp dụng chấm điểm của người lái xe. Đây cũng là biện pháp quản lý để tăng tính răn đe, chứ không phải chúng ta chỉ sử dụng biện pháp nâng cao mức phạt, hay tước giấy phép.
PV: Việc xử lý lái xe dương tính với ma túy có khó khăn gì không thưa ông?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Về khó khăn thì không, bởi, chúng tôi cũng có những sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư để phục vụ cho vấn đề này. Hiện, việc kiểm soát nồng độ cồn chúng ta có thiết bị kỹ thuật của lực lượng CSGT là máy đo nồng độ cồn qua hơi thở và vật tư là các ống thổi.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đảm bảo nghiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới để phòng dịch COVID-19.
Đối với kiểm soát ma túy, hiện, chúng tôi cũng kiểm soát qua đường nước tiểu. Quy trình cũng đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ từ việc lấy nước tiểu, đến thử nước tiểu. Chúng tôi cũng sẽ lấy mẫu, thu giữ mẫu để đi trưng cầu, giám định đảm bảo được đúng người, đúng hành vi vi phạm.
PV: Hiện nay mức xử phạt đối với tài xế sử dụng ma túy thế nào, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Hiện nay mức xử phạt vẫn như cũ, với ô tô từ 30-40 triệu, mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đây cũng là hình phạt cũng khá nghiêm khắc, nhưng theo tôi cũng cần có thêm biện pháp quản lý Nhà nước chặt chẽ.
Phạt tiền, tước giấy phép là một phần, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải có biện pháp quản lý khác. Ví như, làm lái xe kinh doanh vận tải, nếu trong quá trình lái xe có sử dụng chất ma túy sẽ rất khó khăn trong việc tìm việc làm. Vì nó được coi như đó là người sẽ không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Mặc dù chúng ta sẽ đồng ý, phải để cho người sử dụng ma túy hòa nhập cộng đồng nếu người ta cai nghiện thành công. Nhưng nếu như người ta vẫn sử dụng ma túy thì cần phải có biện pháp quản lý chặt hơn, bởi đây là nguồn nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các vụ TNGT thảm khốc.
PV: Trong năm nay, đơn vị đã đẩy mạnh xử phạt vi phạm nồng độ cồn và ma tuý. Ông có thể thông tin cụ thể lộ trình này?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Đối với lực lượng công an, Bộ Công an đã có kế hoạch xử lý xuyên suốt năm 2022 về nồng độ cồn và ma túy. Về vấn đề này, lực lượng CSGT tập trung vào các tuyến có nguy cơ.
Cùng với kế hoạch đó, kết hợp việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, lực lượng CSGT sẽ có việc nắm bắt rất chặt chẽ những các tuyến đường, địa bàn trọng điểm phức tạp, hay những nhà hàng, vũ trường, quán bar để tổ chức lực lượng, phương tiện kiểm soát được người vi phạm hiệu quả.
Về mặt thời gian, chúng tôi cũng lựa chọn thời gian thích hợp, vào cuối giờ trưa, buổi tối.
Đối với trường hợp kiểm soát lái xe dương tính ma túy, chúng tôi cũng xác minh để phát hiện những tình tiết, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng chất ma túy, ghi nhận lời khai,… tổng hợp thành danh sách để thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật phòng chống ma túy. Từ đó chúng tôi tìm ra những sơ hở để kiến nghị với Sở Giao thông- Vận tải có biện pháp trong quản lý, đào tạo và sát hạch, cấp đổi GPLX.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo VOV