Học hỏi làm giàu

Làm giàu từ đất rừng

Tuấn Kiên - 07:35 15/07/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với đôi bàn tay cần cù và sự tính toán hợp lý trong sử dụng đất rừng trồng để làm giàu nên anh Lê Mai Hiền ở thôn Đức An (xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”.

Đến huyện Văn Yên không khó để hỏi thăm được đến gia đình anh Lê Mai Hiền, bởi anh Hiền được mọi người biết tới là một trong số những người đi đầu ở địa phương trong việc làm giàu từ rừng trồng.

Anh Lê Mai Hiền.

Trước khi bắt tay vào việc trồng rừng, năm 2000 anh Lê Mai Hiền đã đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng xưởng chế biến gỗ bóc. Từ cơ sở sản xuất 500m3/năm đến nay dây chuyền chế biến gỗ đã phát triển lên 3.000m3/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Là người đi đầu trong việc chế biến gỗ, anh Hiền đã gặp khá nhiều thuận lợi nhưng đôi khi nguồn nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất cũng gặp khó khăn bởi thương lái, thị trường… Chính vì vậy, anh Hiền đã quyết định tự mình phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng.

Từ đó mỗi năm với số tiền lãi ở dây chuyền sản xuất chế biến gỗ, anh Hiền đã “Tái đầu tư” mua, thuê, gom đất rừng của người dân ở xã Tân Nguyên (huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái) và xã Trung Tâm (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Đến nay đã được gần 100ha, trên diện tích đất rừng anh Hiền đã chủ động phát triển những cánh rừng trồng: Bạch đàn, keo và bồ đề.

Tạo chuỗi sản xuất khép kín từ rừng trồng đến chế biến và tiêu thụ các sản phẩm.

Để phát huy giá trị “tấc đất tấc vàng” cứ 2-3 đồi cây cạnh nhau, tạo thành lòng chảo, dưới chân đồi anh Hiền lại thuê máy ủi san gạt để thiết kế thành một ao nuôi cá; dưới tán rừng anh Hiền cũng nuôi thêm dê, trâu và bò để tận dụng cỏ xanh.

Anh Hiền phấn khởi cho biết: Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp việc có được diện tích đất lớn là vấn đề hết sức quan trọng, bởi từ đó sẽ thuận lợi cho việc các chủ trừng tính toán trồng cây gì, cũng như trong quá trình chăm sóc và thu hoạch sau này. “Trên địa phương chúng tôi nhiều gia đình với diện tích đất rừng trồng nhỏ đến khi được thu hoạch thì không có đường để xe ô tô, máy móc vào thu hoạch, chính vì vậy mà giá trị cây bị giảm khá nhiều do phải mất tiền thuê đường vào hoặc ngày công để thuê người vận chuyển ra. Chính vì vậy, khi có được diện tích đất rừng phù hợp tôi đã tính toán để trồng cây phù hợp tạo thành từng vùng riêng, đường băng để sản xuất thuận lợi…” - anh Hiền cho hay.

Đi đầu trong việc tạo được chuỗi sản xuất khép kín từ trồng rừng đến chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ rừng trồng ở tỉnh Yên Bái đã cho gia đình anh Hiền thu nhập trên 10 tỷ đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho cả chục lao động ở địa phương. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác