Học hỏi làm giàu

Làm giàu từ làng nghề truyền thống

Tuệ Anh - 07:12 04/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Nhắc đến làng Vị Khê nay là xã Điền Xá (Nam Điền), huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là nhiều người nghĩ ngay tới làng nghề cây cảnh lâu đời và phát triển nhất của cả nước. Đây là một làng nghề truyền thống có tuổi nghề gần 10 thế kỷ. Nhờ có nghề trồng cây cảnh mà nhiều người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, đủ đầy, thậm chí là thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chị Vũ Thị Thêu - Chủ nhà vườn Hiếu Thêu.

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cây cảnh 

Xã Điền Xá nằm bên bờ sông Hồng cách TP. Nam Định khoảng 5km về phía Đông Nam, gồm có 7 thôn và 33 xóm. Theo lời kể của các cụ cao niên ở đây truyền lại cho con cháu thì ông tổ nghề cây cảnh của làng là một vị quan nhà Lý có tên Tô Trung Tự. Năm 1211, ông đến thôn Vị Khê thấy đất đai màu mỡ nên đã dạy dân làng cách trồng hoa, cây cảnh. Và ngày nay, các loại hoa, cây cảnh đã trở thành thế mạnh và thực sự trở thành “đặc sản”của Điền Xá. Cây cảnh Điền Xá không chỉ phát triển trong địa phương mà còn đi khắp đất nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. 

Anh Lâm Tiến Duẫn - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thôn Hạ, chủ nhà vườn Tiến Duẫn chia sẻ: “Đã là làng nghề thì nhà nào cũng làm cây cảnh. Gia đình anh có truyền thống làm nghề này từ nhiều đời, khi lập gia đình là chúng tôi gây dựng vườn cây riêng. Các cụ còn để lại cho vợ chồng tôi đôi cây xanh cổ, có nhiều khách thích mua nhưng mình vẫn muốn giữ lại làm kỷ niệm của cha ông”. 

Theo anh Duẫn, thôn Hạ có trên 100 hộ tham gia sinh hoạt Hội sinh vật cảnh, các nhà vườn thường xuyên trao đổi học hỏi lần nhau về cây cối, kỹ thuật trồng, uốn cây. Các nhà vườn trồng chủ yếu các loại cây tùng, cây mộc, cây mẫu đơn… vì dễ tiêu thụ như gia đình anh Duẫn chuyên về cây sanh, si. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhà vườn nào cũng trồng thêm đủ các loại cây để có thể giao lưu với những nhà vườn khác ở trong xã hoặc tỉnh bạn. 

Nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như mộc hương ta, cây sanh… thì nhà vườn tự chăm sóc và nhân giống. Vì những loại cây này đòi hỏi sự chăm sóc, uốn nắn từ nhỏ thì tốn nhiều thời gian, công sức, nếu nhập ở các địa phương khác sẽ khó làm được cây như ý.
Hiện nay, mỗi ngày xã Điền Xá có từ 30 - 40 xe ô tô chờ để chở cây đi các tỉnh tiêu thụ, tốc độ làm ở làng nghề có khi không kịp để tiêu thụ. “Thị trường tiêu thụ của nhà vườn của tôi ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước nhưng thị trường chính là ở Hà Nội và Thanh Hóa” - anh Lâm Tiến Duẫn cho biết thêm.

Anh Lâm Tiến Duẫn (áo nâu) giới thiệu, tư vấn các loại cây hoa cho khách.

Với tổng diện tích vườn khoảng trên 3.000m2, nhà anh trồng các loại như cây công trình, các loại hoa, cây cảnh... sau khi trừ các loại chi phí, nhà vườn của gia đình có thể thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. 

Cũng tương tự như gia đình anh Duẫn, chị Vũ Thị Thêu - Chủ nhà vườn Hiếu Thêu cũng cho biết: Hiện nay, nhu cầu của khách hàng thiên về chơi tùng lá hán vì đây là loại cây đẹp lại có ý nghĩa trường tồn với thời gian. Giá cây cũng khá đắt so với các loại khác, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng, có thể từ vài trăm nghìn, vài triệu đến cả tỷ đồng. 

Với tổng diện tích hơn 1 mẫu Bắc bộ, nhà vườn của chị Thêu chuyên về các loại cây như: Tùng la hán, lộc vừng, mai, me… mỗi năm thu lãi 2-3 tỷ đồng sau khi đã trừ các loại chi phí. Nhà vườn của chị còn có 7-8 công nhân với mức thu nhập của thợ tỉa sửa cây 15 triệu/tháng, người chăm sóc cây thì 6-7 triệu/tháng.

Không chỉ chuyên trồng cây để bán, nhà vườn của chị Thêu còn có khu trưng bày các loại cây tùng la hán và một số loại cây khác để phục vụ khách đến tham quan, chụp ảnh. “Tùy theo nhu cầu của khách mà tôi giới thiệu, tư vấn cho khách loại cây, thế cây phù hợp. Những ngày cuối tuần, khách ở các tỉnh về thăm rất đông nên lượng bán cây cũng tăng theo, bán sỉ và lẻ đều đắt hàng” - chị Thêu phấn khởi chia sẻ.

Khách hàng đến mua cây hồng ngọc mai trong khu vườn nhà anh Lưu Việt Hà.

Nắm bắt nhu cầu thị trường - yếu tố quyết định thành công

Theo anh Lâm Tiến Duẫn: Muốn bán được nhiều thì cần phải dựa theo nhu cầu của thị trường để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Ví dụ như, hiện nay nhiều công trình muốn trồng cây bóng mát, ở dưới gốc trồng kèm hoa hoặc khuôn viên nào muốn trồng hoa gì thì chủ nhà vườn cần phải đến để tư vấn các loại cây, hoa phù hợp. 

Nói về các loại thế cây, dáng cây, anh Duẫn cho biết: Các loại cây như sanh, si, tùng La Hán, vạn tuế, cau vua... được uốn tỉa, chăm sóc công phu thành các dáng, thế. Dáng thế cổ của các cụ ngày xưa có thế trực, thế long, hoành, long hóa... Và thời gian để tạo được một cây có dáng thế thì cũng mất 10 - 20 năm, 5 năm thì mới chỉ mới tạo được hình và khoảng 20 năm thì cây mới có độ già, cổ có thể thu hút được người chơi. Và thú chơi cây cảnh cũng đòi hỏi sự cầu kỳ, không phải thích là chơi được.

Theo các vị cao niên, người chơi cây cảnh còn phải dựa vào nhiều yếu tố mới phù hợp với các thế cây. Theo triết lý của các bậc hiền sỹ ngày xưa, không phải ai cũng có thể chơi được các thứ cây cảnh. Chẳng hạn, người sở hữu những cây cảnh thế trực phải là người có cách sống trung trực, có trước có sau với làng xóm láng giềng. Bộ Tứ quý là cầu mong cuộc sống 4 mùa đều no ấm đầy đủ. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình phúc hậu, có đức độ và con cháu đề huề. Bộ Huynh đệ đồng khoa là gia đình có nhiều người đỗ đạt công vinh hiển hách. Bộ Tam đa biểu hiện cả dòng họ cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no… Những thế cây đó còn là những bài học để các cụ răn dạy con cháu ăn ở có lễ nghĩa, chuyên cần học tập và vươn tới một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Mỗi thế cây tạo nên những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau.

Còn dáng mới bây giờ mang tính nghệ thuật, vẻ đẹp hiện đại như dáng tròn, hình con vật, có cây còn được uốn tỉa thành hình những kỳ quan nổi tiếng thế giới như tháp Phổ Minh, tháp Effel, hình chim đại bàng, chim công, chim phượng hoàng… Những người mới chơi họ sẽ thích kiểu hiện đại.

Anh Lưu Việt Hà (bên phải sang) giới thiệu cây hồng ngọc mai cho khách.

 Anh Lưu Việt Hà - chủ nhà vườn chuyên trồng bon sai cũng chia sẻ: Hiện nay, chơi các loại cây hoa được ưa chuộng nhất là dân văn phòng, vì vậy nhà vườn đầu tư chuyên loại cây hoa mai hồng ngọc. Loại này rất dễ chơi, phục vụ cho mọi tầng lớp. Nhiều phụ nữ không thích chơi cây cảnh nhưng vì hoa đẹp nên họ cũng mua về. Hoa của cây mai hồng ngọc để từ 7-10 ngày, sau khi hết hoa có thể tự chăm sóc là có hoa chơi tiếp.

“Cây mai hồng ngọc bắt đầu bán từ tháng 4, lượng bán nhiều nhất từ tháng 8-10, nếu làm nhiều mà còn sản phẩm có thể bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Giá thấp nhất một chậu có thể khoảng 200 nghìn đồng, cao nhất lên đến hàng triệu đồng. Giá trị của cây phụ thuộc vào độ tuổi của cây được trồng ở trong chậu, những cây có giá trị phải được trồng từ 2-3 năm trở lên” - anh Hà cho biết thêm. 

Hiện nay, ở làng nghề Điền Xá, các nhà vườn còn sử dụng các loại cây ăn quả để sử dụng làm cây cảnh trang trí quanh nhà. Cây có hoa, có quả thì lại càng có giá trị, người chơi rất thích vì vừa có hoa, có quả, lại có bóng mát, đẹp nhà cửa khuôn viên như cây trứng gà, cây chanh, bưởi hoặc vú sữa… 
Anh Lâm Tiến Duẫn – Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thôn Hạ (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác