Làm giàu từ mô hình trồng khóm trên đất nhiễm phèn
Theo chia sẻ của ông Sáu, gia đình ông có 10ha đất canh tác lúa 2 vụ/năm, nhưng năng suất rất thấp do diện tích đất trồng lúa bị nhiễm phèn. Nhờ sự tư vấn của Hội Nông dân, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm Khuyến nông thị xã Tràng Bàng, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha đất sang trồng dứa Queen.
“Năm đầu sản xuất, gia đình gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc, khu vực canh tác bị ngập do không có đê bao gây chết cây. Có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ đê bao chống lũ nên cây khóm của tôi mới phát triển tốt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha”, ông Sáu bày tỏ.
Thấy được hiệu quả kinh tế cao do cây khóm mang lại ông Sáu đã mạnh dạn đầu tư mua thêm 20ha và thuê thêm 30ha của những hộ xung quanh để trồng khóm. Bên cạnh trồng khóm ông Sáu còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá. Nguồn nước tưới được ông lấy trực tiếp từ sông, trong mùa nước nổi kết hợp dẫn dụ cá tự nhiên về trong ruộng khóm, tạo thành mô hình nuôi - trồng khép kín. Hàng năm, từ nguồn bán khóm và cá sau khi trừ chi phí, ông còn lãi hơn 3,7 tỷ đồng.
Theo ông Sáu cho hay kinh nghiệm thành công của ông đó là trong sản xuất luôn tuân thủ áp dụng các biện pháp chỉ dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật thị xã và tỉnh về quy trình sản xuất khóm theo hướng VietGap. Bên cạnh đó, ông cũng luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức để áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật trồng khóm thông qua các kênh thông tin như truyền hình, sách, báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, qua internet và các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết thêm, để cung ứng sản phẩm ra thị trường và cho nhà máy chế biến đảm bảo chất lượng, ông luôn tuân theo quy trình sản xuất VietGap đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, ông nhận thấy để cây dứa cho năng suất cao, chất lượng quả tốt lại tiết kiệm chi phí sản xuất, sau 4 năm trồng, chăm sóc mới cần thay gốc mới, thay vì trước đây sau 2 năm thu hoạch đã phải bỏ gốc.
Không dừng ở phát triển mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá, mới đây ông còn mở rộng các mảng kinh doanh khác nên đã nâng quy mô tổng thu bình quân hàng năm của gia đình lên 6 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của gia đình ông đã tạo việc làm cho gần 40 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.
Trong 5 năm qua, ông đã giúp đỡ 50 hội viên về kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp vốn kinh doanh với số tiền 500 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình ông đã có 25 hộ thoát nghèo và nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Ngoài ra, gia đình ông còn đóng góp Quỹ Hỗ trợ Nông dân hàng năm với số tiền 5 triệu đồng.
Ấp ủ nhiều dự định mới trong phát triển sản xuất, người nông dân “bắt” đất phèn cho trái ngọt này cho biết: "Làm nông nghiệp rủi ro rất cao. Trước đây ai cũng nói tôi liều nhưng tôi liều “có cơ sở”, tức là phải hiểu về thị trường (đầu ra cho sản phẩm), hiểu về đặc tính cây trồng, yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng thì mới có thể thành công."
Ông Nguyễn Văn Sáu cùng một số hội viên nông dân xã Phước Bình dự kiến sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp để phát triển sản xuất theo hướng liên kết, tích hợp đa giá trị, phù hợp định hướng xây dựng nông nghiệp, nông thôn bền vững trong giai đoạn mới. Ông sẽ trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu, trồng thêm cây ăn quả, tiến tới kết hợp vừa sản xuất nông nghiệp vừa phát triển du lịch sinh thái ở địa phương.
Thực hiện phong trào nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới, ông Sáu còn sửa chữa, làm 8km đường nông thôn, hỗ trợ đất và nhà ở cho 11 hộ, ủng hộ chương trình “Thắp sáng đường quê”, góp phần mang điện đến 20 hộ dân ở vùng sâu của xã.