Học hỏi làm giàu

Làm nông đa năng tạo cơ ngơi tiền tỷ

Phước Bảo - 07:08 18/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Cũng như nhiều nông dân khác từng gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất, nhưng nhờ sự năng động đổi mới, ông Đặng Xuân Trinh đã tạo dựng thành công mô hình kinh tế trang trại với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Đa dạng các loại cây trồng vật nuôi và liên tục tìm hướng đi mới chính là chìa khóa để gặt hái thành công của tỷ phú nông dân này.
Ông Đặng Xuân Trinh trong trại nuôi gà.

Tìm ra hướng phát triển mới

Ông Đặng Xuân Trinh (SN 1970) chia sẻ rằng, vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Thanh Lương (thị xã Bình Long, Bình Phước). Gắn bó với nghề nông nhiều năm nên ông hiểu được thế mạnh của vùng đất miền Đông Nam Bộ rất phù hợp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Năm 1996, ông mở rộng đầu tư trang trại trồng hồ tiêu, cao su. Tuy nhiên, thời gian đầu sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản phẩm làm ra giá không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. 

Trước tình hình đó, được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ, ông tích cực tham gia các chương trình hội thảo, các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới để học hỏi kinh nghiệm. Ông còn được Hội Nông dân tỉnh cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân để đầu tư phát triển sản xuất. Từ đây đã giúp ông đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Năm 2013, ông mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn. Ông chia sẻ: Vì cây công nghiệp thời gian cho thu hoạch lâu, giá cả lại không ổn định, bệnh tật nhiều, thuê lao động mỗi ngày một khó, chi phí lại cao. Chuyển sang kinh doanh và chăn nuôi chi phí ít hơn so với trồng tiêu, cao su, nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

“Chính từ ưu điểm của việc nuôi gà thả vườn là ít vốn, thời gian nuôi ngắn, đầu ra khá ổn định, mỗi năm có thể nuôi từ 2 đến 3 lứa nên nhanh thu hồi vốn. Trung bình mỗi trại nuôi từ 4.000 - 5.000 con, hơn 3 tháng là có thể bán” ông Trinh cho biết. 

Bên cạnh đó, ông Trinh còn lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật và mới đây đầu tư xây nhà nuôi yến với chi phí hàng tỷ đồng. “Trồng trọt phải kết hợp chăn nuôi mới cho thu nhập cao và không lãng phí công lao động. Tôi cũng xác định, muốn làm giàu từ chăn nuôi phải mạnh dạn đầu tư và nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng thì mới thành công. Ngoài nguồn thu chính từ nông nghiệp, tôi còn hướng tới kinh doanh đa lĩnh vực, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp, nắm bắt thông tin thị trường chứ không ngồi chờ vận may giá cả, thời tiết” - ông Trinh chia sẻ.

Với ý chí và quyết tâm làm giàu, đến nay gia đình ông hiện có 10 trại gà với khoảng 50.000 con, có 4ha cao su, 4ha điều, một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 2 nhà yến và một điểm kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng gần 2 tỉ đồng sau khi đã trừ chi phí.

Cán bộ Hội gương mẫu

Bằng uy tín của mình, ông được bầu là Chi hội phó Chi hội Nông dân nghề nghiệp Chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp VietGAP với 35 thành viên tham gia. Chi hội được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc 5 tự: “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Đến nay, Chi hội duy trì hoạt động hiệu quả, được Hội Nông dân tỉnh chọn làm mô hình điểm. Hàng năm đã có trên 100 hội viên, nông dân trong và ngoài tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi và được lãnh đạo tỉnh đến thăm và làm việc. 

Trở thành tỷ phú từ sự nỗ lực vượt khó khăn nên ông Đặng Xuân Trinh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn để giúp những nông dân có ý chí vươn lên. Qua các hoạt động của Hội Nông dân giúp ông lan tỏa được kinh nghiệm và quyết tâm làm giàu. Hiện nay, gia đình ông đang giúp đỡ cho hơn 100 hội viên nông dân với số tiền trên 2 tỷ đồng bằng hình thức bán trả chậm thức ăn chăn nuôi và con giống, đến vụ xuất bán, nông dân mới thanh toán. Với hình thức này mà 21 hộ đã vươn lên khá và giàu. 

Tại trang trại của gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là nơi để ông chia sẻ kỹ thuật, đào tạo nghề cho rất nhiều nông dân đến học hỏi. Anh Lê Văn Đồ, quê ở tỉnh Sóc Trăng, lên Bình Phước lập nghiệp, là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại trại gà của ông Đặng Xuân Trinh. Hơn 7 năm, vợ chồng anh và người con trai lớn được ông Trinh nhận vào làm và lo ăn, ở tại chỗ. Anh Đồ còn được ông Trinh giao quản lý trại gà. 

Anh Lê Văn Đồ chia sẻ: “Từ khi vào làm ở đây, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Công việc cũng không mấy áp lực nhưng đòi hỏi phải làm thường xuyên. Ở miền Tây lên đây làm đã 6-7 năm rồi, hiện tại hai vợ chồng tôi quản lý và chăm sóc gà, còn con trai bán xăng. Trong công việc, anh Trinh cũng khá thoải mái. Chúng tôi gặp khó khăn gì ảnh giúp đỡ liền”.

Trong các dịp lễ, Tết hàng năm và các phong trào, hoạt động của địa phương như ủng hộ Quỹ người nghèo, có hoàn cảnh ốm đau, Qũy Hỗ trợ Nông dân xã… gia đình ông Trinh đều tham gia tích cực bằng tiền, quà… với số tiền ước tính trên 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến 2.000m2 đất để làm đường giao thông trị giá trên 200 triệu đồng. 

Theo ông Dương Hữu Đảng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lương cho biết: “Ông Đặng Xuân Trinh là người nhiệt tình, biết cách làm giàu, có trách nhiệm. Với địa phương, ông đã đóng góp rất nhiều công sức, chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Với tấm lòng và trách nhiệm của mình, ông Trinh cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông hiến đất để làm đường, hàng năm đều có đóng góp cho địa phương giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết”.

Ghi nhận những nỗ lực đó, ông Đặng Xuân Trinh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo. Ông còn được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Phước. 

“Muốn phát triển chăn nuôi phải có kiến thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết chọn con giống, có kiến thức để phòng trừ bệnh và đảm bảo thức ăn phù hợp từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, đặc biệt là phải dự đoán được thị trường, có như vậy hiệu quả kinh tế mới cao”.
 Ông Đặng Xuân Trinh.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác