Lựa chọn chiến lược chuyển đổi số phù hợp cho mỗi cơ quan báo chí
Tại buổi khai mạc chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Công ty Google tổ chức ngày 21/9, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí - truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
Tại Việt Nam, hiện số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 248/807 cơ quan, trong đó: Báo và tạp chí thực hiện 1 loại hình in và điện tử là 221 cơ quan, báo chí điện tử độc lập là 27 cơ quan. Ngoài ra còn có 224 cơ quan báo chí cả trung ương và địa phương đã thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.
Các cơ quan báo chí có phiên bản điện tử tại Việt Nam đa phần đang sử dụng nền tảng kỹ thuật của các doanh nghiệp cung cấp như: Hệ thống quản trị nội dung (CMS) của EPI, Vcorp, 24h, Netlink…; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống Lưu trữ đám mây.
Số lượng cơ quan báo chí tự phát triển CMS còn ít, không phải cơ quan báo chí nào cũng có điều kiện để đầu tư bài bản vào chuyển đổi số như đầu tư CMS riêng, An toàn thông tin, Cloud… Mặc dù vậy, đã có nhiều cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…
Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025: 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác chiến lược ngành Tin tức và Xuất bản Đông Nam Á (Google) chia sẻ, hai năm diễn ra dịch Covid-19 căng thẳng, báo chí tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều thấy rõ việc sống còn của chuyển đổi số.
Là đơn vị có kinh nghiệm phối hợp với nhiều tổ chức sản xuất tin tức trên khắp thế giới, Google muốn chia sẻ một số chiến lược chuyển đổi số đã có hiệu quả để cơ quan báo chí tại Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng phù hợp với tổ chức của mình.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới