Mở lối tư duy cho nông dân
Khởi đầu cho nông nghiệp hiện đại
Trong những năm qua thành phố Điện Biên Phủ đã xây dựng được nhiều mô hình canh tác bao gồm hồng giòn, bưởi da xanh, xoài Đài Loan... góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy vậy công tác thay thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, lúa sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng với tiềm năng phát triển của thành phố.
Trong đó, việc nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về thực trạng sản xuất, tiềm năng phát triển dưa lưới theo hướng công nghệ cao là một nội dung cần thiết để định hướng xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng KHKT trong phát triển nông nghiệp tại thành phố Điện Biên Phủ là hướng đi đúng đắn.
Đến nay, các nông hộ được tiếp cận với nhiều hình thức canh tác hơn, trong đó các kỹ thuật canh tác công nghệ cao phổ biến gồm kỹ thuật canh tác trong nhà màng, nhà lưới, hệ thống canh tác thủy canh, hệ thống canh tác nhỏ giọt được nhiều hộ nông dân nắm bắt. Tuy vậy, ở các xã trên địa bàn, hình thức canh tác ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ, người dân ít quan tâm, cũng như điều kiện canh tác hiện tại chưa thực sự thúc đẩy việc học hỏi các kỹ thuật hiện đại. Chính vì vậy, việc phát triển canh tác dưa lưới ứng dụng công nghệ cao sẽ thực sự phù hợp hơn khi triển khai tại các hộ nông dân ở các phường.
Nhìn chung các hộ nông dân trên địa bàn có điều kiện kinh tế chưa thực sự mạnh đủ để triển khai các chương trình sản xuất lớn. Tại các phường trên địa bàn, các hộ nông dân có khả năng huy động nguồn vốn phục vụ canh tác tốt hơn so với các nông hộ trên các xã, ở các phường có trên 15% nông hộ có khả năng huy động từ 200-500 triệu đồng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là điều khá bất cập, khi diện tích nhỏ nhưng nguồn vốn lại có khả năng đầu tư tốt, chính vì vậy hướng đi canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc tối ưu khai thác năng suất trên một đơn vị diện tích nhỏ sẽ phù hợp để triển khai với các nông hộ trên địa bàn phường của thành phố.
Bà Trần Mai, Trưởng phòng Kinh tế TP. Điện Biên cho biết: “Sản xuất dưa lưới trên địa bàn TP. Điện Biên. Đặc biệt là trồng theo hướng công nghệ cao là vấn đề rất mới, hầu như chưa được thực hiện trên địa bàn, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền xuôi như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, và các tỉnh phía Nam. Việc triển khai canh tác dưa lưới ngay trên địa bàn thành phố sẽ tạo ra sản phẩm trực tiếp cạnh tranh về giá do phục vụ tại chỗ tiết kiệm chi phí vận chuyển và bảo quản. Hơn nữa với thời gian vận chuyển ngắn, chất lượng dưa cung ứng cho thị trường địa phương rất tốt, cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng với các loại dưa nhập từ các tỉnh miền xuôi.
Biến đất khô cằn thành “bạc tỷ”
Được biết, cây dưa lưới là một sản phẩm được tiêu thụ khá phổ biến trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ với giá bán cao, dao động từ 50.000- 100.000 đồng/kg, có mặt ở hầu hết các chợ đầu mối, cửa hàng rau quả và siêu thị trên địa bàn thành phố.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình trồng dưa lưới xanh mướt vào những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Kỹ sư Nông nghiệp Nguyễn Thanh Sơn (Tổ chức cấp chứng nhận NHO Việt Nam) phấn khởi khẳng định, đến nay, mọi công đoạn trong quá trình sản xuất dưa lưới công nghệ cao được thực hiện đồng bộ bằng các phương tiện cơ giới hiện đại, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy, mà nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hiện đại, theo hướng sản xuất hàng hóa, góp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Chia sẻ về phương pháp trồng dưa lưới, Kỹ sư Nông nghiệp Nguyễn Thanh Sơn cho biết, dưa lưới sau khi thu hoạch được ngâm trong dung dịch chitosan 1% trong 5 phút. Sau đó để khô tự nhiên và đóng vào thùng carton và đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, tránh tiếp xúc với nguồn nước và côn trùng gây hại. Đồng thời, bà con nông dân cần bảo quản bằng 1-MCP, dưa sau khi thu hoạch đóng vào thùng carton và đặt lên trên tấm Ansip 1-MCP, rồi đặt thùng ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, tránh tiếp xúc với nguồn nước và côn trùng gây hại. Đối với dưa lưới, thời gian sinh trưởng và phát triển được tính từ lúc mọc mầm cho đến khi thu hoạch. Các giống khác nhau sẽ trải qua từng giai đoạn trong khoảng thời gian không giống nhau.
Một giống được đánh giá là giống tốt phải là giống có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, thích ứng rộng với điều kiện thời tiết và có tiềm năng cho năng suất cao. Trong khi đó, giống Juijia cho các kết quả thấp hơn so với các giống Kami. Hai giống cần 72 đến 74 ngày để sinh trưởng và cho quả thu hoạch.
Theo ông Sơn, dưa lưới là loại cây ăn quả có tiềm năng, năng suất được cấu thành từ các yếu tố sau như: Mật độ, số quả thương phẩm trên cây và khối lượng trung bình quả. Để quả dưa lưới to đều và phẩm chất tốt, hoa cái ở lá thứ 9 bắt đầu được thụ phấn. Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao có triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận.
“Mô hình trồng dưa lưới của TP. Điện Biên sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường và đây cũng là điển hình cho các địa phương trong tỉnh có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để từ đó khởi nghiệp, giúp bà con biến mảnh đất đầy bom đạn, khô cằn sỏi đá trở thành mảnh đất thu bạc tỷ trong thời gian tới”.
Kỹ sư Nông nghiệp -Nguyễn Thanh Sơn.