Chuyện nhà nông

Độc đáo mô hình nuôi cá thích ứng với lũ

Đức Thủy - 07:39 09/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Để thích ứng với dòng sông Ô Giang nước chảy cuồn cuộn vào mùa lũ, người dân xã Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã vận dụng, sáng tạo ra “lồng thuyền” để nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ ý tưởng nuôi cá bằng lồng thuyền nhôm 
Từ xưa, người dân 2 thôn Câu Hà, Văn Trị (xã Hải Phong) vốn gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản trên sông Ô Giang. Nhưng số lượng cá, tôm trên dòng sông này ngày càng cạn kiệt dần nên người dân chuyển qua nuôi cá lồng. 
Dòng Ô Giang đoạn chảy qua xã Hải Phong có độ sâu từ 3 đến 5m và nguồn là nước sạch. Tận dụng lợi thế này, người dân địa phương đã thả lồng nuôi cá, từ những lồng nuôi thô sơ, không có kinh nghiệm nuôi kèm theo đó là nỗi lo tài sản bị cuốn trôi mỗi mùa mưa lũ, đến nay nghề nuôi cá nước ngọt ở vùng đất này đã phát triển khá mạnh và người nuôi đã tích lũy được kinh nghiệm vững vàng.
Ông Phạm Văn Thiện (50 tuổi, ngụ thôn Văn Trị, xã Hải Phong) là người tiên phong của mô hình nuôi cá bằng lồng thuyền nhôm trên dòng Ô Giang cho biết, cách đây khoảng hơn 10 năm về trước, gia đình ông nuôi cá nước ngọt như trắm, mè… bằng lồng hình vuông với các vật liệu là tre, lưới thô sơ nên dễ bị cuốn trôi vào mùa mưa lũ, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Sau những lần thất bại vì lũ xé rách lồng lưới nuôi cá, ông đã nảy ra ý tưởng làm lồng nhôm kiên cố để thả nuôi. 

Chiếc “lồng thuyền” nuôi cá chình, cá leo do anh Phạm Văn Thiện sáng tạo.
Gọi là “lồng thuyền” vì loại lồng nuôi này có hình giáng giống chiếc thuyền với chất liệu bằng nhôm. Ý tưởng tạo ra chiếc “lồng thuyền” này xuất phát từ khoảng năm 2014, trong một lần ông ngồi quan sát những chiếc thuyền nhỏ neo đậu trên sông Ô Giang. Mặc dù thuyền đứng yên, nhưng mũi vẫn tiếp tục rẽ nước nên đã lóe lên phương án làm chiếc “lồng thuyền” bằng nhôm để nuôi cá.
Sau nhiều lần tìm hiểu, sửa đổi thì chiếc “lồng thuyền” cũng đã được hoàn thiện. “Lồng thuyền” được làm bằng nhôm, cao khoảng 2 m, rộng 2 m, dài 7 m và có mũi nhọn để rẽ sóng. Để lồng thuyền luôn nổi trên sông cần gắn các can nhựa hoặc thùng phuy lớn, cố định ở các góc trong khoang thuyền. Tất cả các tấm nhôm để làm thuyền được khoan nhiều lỗ nhỏ nhằm tạo ôxy khi nuôi cá. 
Đến nay, lồng nuôi này đã khẳng định được hiệu quả trong môi trường thực tế của dòng sông Ô Giang, lồng có tuổi thọ rất cao; không bị cuốn trôi trong mùa mưa lũ; cá sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị dịch bệnh… được nhiều người dân nuôi cá nước ngọt ở xã Hải Phong sử dụng.
Hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định
Ông Phạm Văn Một (ngụ xã Hải Phong) một trong những người nuôi cá lồng lâu năm tại địa phương cho biết, hiện tại chi phí để đóng mới một chiếc “lồng thuyền” có diện tích 24m3 là khoảng 20 triệu đồng. Mỗi “lồng thuyền” có thể nuôi từ 250 - 300 con cá chình, nuôi trong vòng từ 1,5 năm đến 2 năm sẽ cho thu hoạch mỗi con có trọng lượng từ 3 đến 4kg/con, với giá bán dao động từ 450 đến 500 ngàn đồng/1kg. Riêng cá leo thì giá trị thấp hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn (khoảng 3- 4 tháng) với giá bán 100 nghìn đồng/kg. Với 2 hồ nuôi, gia đình anh có khoản thu mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Thiện đang chăm sóc đàn cá chình nuôi trong “lồng thuyền”.
“Ưu điểm của “lồng thuyền” được làm bằng nhôm nên khá mát, giúp cá sinh trưởng tốt, ít bệnh, độ bền lên đến hàng chục năm. Đặc biệt là “lồng thuyền” không bị cuốn trôi khi có nước lũ bởi mũi “lồng thuyền” rẽ nước và ít chịu tác động của dòng nước lũ. Cũng chính nhờ sáng kiến làm “lồng thuyền” để nuôi cá mà gia đình tôi không lo lắng mưa lũ sẽ cuốn trôi tài sản, từ đó có thu nhập ổn định hơn” - ông Phạm Văn Một cho hay. 
Ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch UBND xã Hải Phong cho biết: Xã Hải Phong tập trung nuôi cá lồng chủ yếu ở thôn Câu Hà, Văn Trị. Trước đây, những hộ dân sống ở khu vực trên hầu hết làm nghề sông nước nên đời sống khó khăn, bấp bênh. Từ khi nhiều hộ dân đã đầu tư vốn để nuôi cá chình, cá leo trên “lồng thuyền” có hiệu quả và bắt đầu nhân rộng thì đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả hơn. Hiện nay, toàn xã có khoảng trên 50 lồng nuôi cá, người dân chủ yếu nuôi cá chình cho giá trị kinh tế cao.
“Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt trong “lồng thuyền” mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng cũng như xã Hải Phong đã thực hiện việc hỗ trợ cho các hộ bắt đầu nuôi cá lồng. Đến nay xã Hải Phong cũng đang có chính sách hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng đối với những hộ làm thêm lồng mới, hoặc cải tạo lồng nuôi cá. Đồng thời UBND xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tìm đầu ra cho người dân an tâm nuôi cá” - ông Bùi Xuân Giang cho biết thêm.  

Tin cùng chuyên mục
Tin khác