Công tác Hội

Mục tiêu quan trọng là đem lại lợi ích cho hội viên nông dân

Quang Tú - 07:56 24/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 23/3/2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 454-KL/HNDTW ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN về một số nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức bằng 2 hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có bà Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương Hội NDVN có các đồng chí lãnh đạo một số ban đơn vị của T.Ư Hội; thường trực Hội ND của một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định.

Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo sở ban, ngành của 63 tỉnh, thành phố; các đồng chí thường trực Hội ND của 63 tỉnh, thành phố…

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Kết luận 454, nêu rõ khó khăn, vướng mắc nhất là ở cơ sở pháp lý và điều kiện hoạt động của các Trung tâm, về tổ chức bộ máy, quản lý tài sản công và điều kiện hoạt động của các Trung tâm để tìm ra giải pháp, khả năng thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, ông Trương Xuân Quý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn (T.Ư Hội) cho biết: Hiện nay cả nước có 01 Trung tâm ở Trung ương Hội và 51 Trung tâm ở các tỉnh/thành phố. So với thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Kết luận 454-KL/HNDTW giảm 01 Trung tâm.

Liên quan đến vấn đê về tự chủ tài chính, hiện có 22 Trung tâm đã được phê duyệt phương án tự chủ tài chính, trong đó 3 Trung tâm ở mức tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên; 1 Trung tâm ở mức tự đảm bảo chi thường xuyên từ 70% đến dưới 100%; 6 Trung tâm ở mức tự đảm bảo chi thường xuyên từ 30% đến dưới 70%; 4 Trung tâm ở mức tự đảm bảo chi thường xuyên từ 10% đến dưới 30%; Có 14 Trung tâm đã xây dựng phương án tự chủ tài chính nhưng chưa được phê duyệt.

Ông Trương Xuân Quý cũng cho biết thêm: Trong các hoạt động hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề, Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân với nhiều hình thức đa dạng như: Phối hợp với các công ty sản xuất phân bón hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên; Cung ứng cho hội viên hàng nghìn giống cây trồng, vật nuôi; cung cấp thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp qua đó tạo điều kiện giúp hội viên phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả; Mở nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế... Các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn của Hội đã thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế; trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với đối tượng học nghề. Tại các địa bàn triển khai xây dựng mô hình, hầu hết lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề, tăng hiệu quả lao động và thu nhập thực tế. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm chủ yếu là tự phát, thiếu tính liên kết giữa các Trung tâm trong hệ thống Hội, vai trò của Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn Trung ương Hội với hệ thống Trung tâm các tỉnh, thành Hội chưa rõ và chưa có cơ chế phối hợp. Việc gắn kết với các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều Trung tâm chưa có nguồn thu ổn định, hoạt động hỗ trợ và cho vay vốn gặp nhiều khó khăn, quỹ hỗ trợ nông dân hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn; nhiều Trung tâm chưa được bàn giao cơ sở vật chất. Trụ sở của một số Trung tâm chưa được đầu tư mới, hoặc có trụ sở nhưng không được sửa chữa nâng cấp, hiện đã xuống cấp ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của Trung tâm....

Theo đại diện Hội ND tỉnh Yên Bái, BTV Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ phối hợp với các ban đơn vị T.Ư Hội, các ban, ngành ở tỉnh để tổ chức các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân. Năm 2022 phối hợp tổ chức được 15 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sản thương mại điện tử được hơn 15.000 tài khoản trên sàn thương mại, hỗ trợ nông dân thực hiện các thủ tục công nhận sản phẩm OCOP...  Tuy nhiên, Trung tâm còn có những khó khăn như thiếu nguồn lực, kinh phí, con người làm việc tại Trung tâm nên hiệu quả hoạt động giảm; cơ chế vận hành không rõ ràng nên khó hoạt động...

Hội nghị tại điểm cầu Hội ND tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam là một trong 3 tỉnh có Trung tâm tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên từ năm 2018, ông Nguyễn Văn Thận - Hội ND Quảng Nam ý kiến: Công tác đào tạo nghề cho nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như qui định hiện nay mỗi người chỉ được học một nghề, đối với nghề nông nghiệp mà đồng nhất với nghề phi nông nghiệp là không hợp lý. Nông dân có nhu cầu được học nhiều nghề trên nhiều đối tượng cây trồng, con vật nuôi khác nhau, nhưng cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật còn gò bó, không linh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết ở nông thôn. Bên cạnh đó, định mức đào tạo, kinh phí phân bổ thực hiện đào tạo nghề hàng năm còn thấp, hạn chế so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay, số lao động có nhu cầu nhưng chưa được học nghề trong cộng đồng còn rất cao, nhất là nghề nông nghiệp. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Thuận cho biết: Năm 2020, Trung tâm tự chủ hoàn toàn về kinh phí, nhưng vẫn chưa tạo được nguồn thu ổn định từ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các dịch vụ hỗ trợ hội viên. Mặt khác vị trí của Trung tâm không thuận lợi, nằm ngoài trung tâm thành phố nên việc khai thác các chức năng của công trình chưa được thuận lợi. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đến nay đã kết thúc, nhưng nhu cầu học nghề của hội viên nông còn nhiều và đa dạng. Vì vây, đề nghị Trung ương Hội NDVN, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Trung ương quan tâm đến công tác đào tạo nghề hơn nữa, hàng năm hỗ trợ thêm các dự án phát triển kinh tế nông thôn, kết nối các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân như: Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân cũng như các dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiếp cận khoa học – kỹ thuật công nghệ cao… để Trung tâm Hỗ trợ Nông dân phối hợp triển khai tăng thêm nhiều hoạt động.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của các Trung tâm trong thời gian qua. Những ý kiến đóng góp chia sẻ của các đơn vị sẽ được Ban tổ chức tổng hợp trình BTV Trung ương Hội NDVN.

Để các Trung tâm hoạt động hiệu quả đem lại lợi ích nhiều hơn cho các hội viên, nông dân, Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đề nghị các Trung tâm tiếp tục xây dựng đề án việc làm, xây dựng phương án tự chủ tài chính và xây dựng phương án sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật. Các Trung tâm cần rà soát lại tất cả các nội dung hỗ trợ nông dân, trong đó chú trọng các hoạt động hỗ trợ vốn. Đồng thời, cần chủ động liên kết với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình, chuyển giao KHKT, cung cấp thông tin, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản; cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ các Trung tâm.

Bà Cao Xuân Thu Vân cũng bày tỏ mong muốn các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương quan tâm hỗ trợ cho Hội ND thực hiện hết các chức năng mà Đảng giao, Chính phủ ủng hộ tạo điều kiện.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác