Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng pháp luật lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nhận diện thể chế pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật và thực thi pháp luật thông qua hoạt động rà soát, truyền thông, tiếp thị chính sách là nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và cho rằng hội nghị là cơ hội tốt để hai bên trao đổi thẳng thắn, lắng nghe, “soi mình” trong công tác xây dựng văn bản; làm sao pháp luật thực sự là công cụ quản lý xã hội, phát huy thực sự hiệu lực, hiệu quả trên thực tiễn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn, qua hội nghị, những khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Báo cáo chuyên đề nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Nam cho biết: Xây dựng hoàn thiện thể chế luôn là công tác trọng tâm được Ban cán sự, Bộ trưởng đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản QPPL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, trình ban hành đang có hiệu lực thi hành là 446 văn bản, trong đó có 10 luật, 1 Nghị quyết của Chính phủ, 67 Nghị định…Cùng với hệ thống VBQPPL của quốc gia đã tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thể chế cơ bản đủ về số lượng.
Tuy nhiên, theo ông Nam, còn nhiều quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị; một số quy định còn vướng mắc bất cập chưa phù hợp với thực tiễn quản lý, phát triển ngành, một số hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn còn thiếu, chưa có hoặc có văn bản điều chỉnh chưa đầy đủ; một số văn bản tính ổn định chưa cao; một số quy định đưa vào thực hiện đã nảy sinh vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung. Việc thực thi pháp luật thông qua hoạt động rà soát, truyền thông, tiếp thị chính sách còn nhiều hạn chế.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, ban hành, trình ban hành đang có hiệu lực thi hành là 446 văn bản bao gồm: 10 luật; 1 nghị quyết của Chính phủ; 67 Nghị định; 46 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 269 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 34 Thông tư liên tịch, 18 Quyết định và 1 Chỉ thị của Bộ trưởng. Với các văn bản quy phạm pháp luật vừa nêu, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia đã tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nhận định chung tại hội nghị cho thấy, người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo chưa tập trung thời gian, nguồn lực nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả là những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều văn bản trong ngành ban hành chậm tiến độ; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật xây dựng thời gian qua còn hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung…
Dẫn chứng về xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai sửa đổi trong đó có nội dung là đất trồng lúa; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp, nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng…. ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt và ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nêu ý kiến: “Nếu chúng ta phối hợp chặt chẽ tốt giữa các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp là nơi thẩm định thì hiệu quả rất tốt và rút ngắn được thời gian. Lấy ví dụ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Cục Trồng trọt được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định chứng nhận gạo thơm để xuất khẩu được miễn thuế. Qua phối hợp với vụ pháp luật quốc tế của Bộ tư pháp trong các cuộc họp chỉ sau mấy tháng đã hoàn thiện và ban hành được Nghị định hướng dẫn.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp: Cần có Khung thể chế hỗ trợ cơ quan chuyên môn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong kế hoạch năm 2024 cũng như các Nghị định mong muốn Bộ Tư pháp và các đơn vị chuyên môn tiếp tục ủng hộ xây dựng dự án sửa đổi luật cũng như các Nghị định mới để khắc phục những “khoảng trống” giữa các luật vừa được ban hành. Trong cách tiếp cận xây dựng thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới cần có Khung thể chế, bởi các đơn vị kỹ thuật nhiều khi cũng không hình dung được nhưng với cách tiếp cận mới mà cơ quan độc lập soạn thảo luật, tránh để cơ quan chuyên ngành xây dựng từ Thông tư, Hướng dẫn nhiều lúc cũng mang ý chí chủ quan”.
Chủ động truyền thông chính sách, phổ biến sâu rộng tới người dân
Một số ý kiến cho rằng, nâng cao hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần phân cấp, phân quyền giữa cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan cho rằng, trong quá trình đề xuất ý tưởng lập pháp và quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản cần đặc biệt chủ động truyền thông, tiếp thị các văn bản quy phạm pháp luật đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo chính sách để văn bản khi được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đồng thuận cao trong nhận thức và tổ chức thực thi:
“Từ ý tưởng xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật hay điều chỉnh một quy định mới, sửa đổi một quy định cũ làm sao các cơ quan chuyên ngành của Bộ phải hiểu được bản chất. Phải làm truyền thông chính sách, phổ biến sâu rộng tới người dân để thể chế pháp luật từ quản lý xã hội mở rộng ra là quản trị xã hội, tạo ra những không gian mới để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực của ngành, những văn bản pháp luật phải thực sự hiệu lực và hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá hội nghị là 1 sáng kiến trong công tác xây dựng thể chế pháp luật. Hội nghị cũng là một sự quan tâm rất cụ thể của lãnh đạo Bộ NN và PTNT với công tác xây dựng thể chế. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã phát biểu vào các vấn đề một cách trực diện, đề xuất nhiều giải pháp chất lượng.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chúc mừng những kết quả toàn diện, bền vững, liên tục của Bộ NN và PTNT trong thời gian qua, kể cả trong thời điểm rất khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng, xuất siêu… vẫn đạt tỷ lệ tích cực.
Bộ trưởng đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua, tuy nhiên theo Bộ trưởng công việc còn nhiều khó khăn cả về số lượng và tính chất phức tạp. Khó khăn đến từ những quy định của chính sách, từ thực tiễn thực thi, từ quá trình thi hành Luật ban hành Văn bản QPPL; Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận, cố gắng tối đa để xem xét, tháo gỡ từng nội dung, từng vấn đề.