Nghệ An: Phát triển du lịch nông nghiệp ở đảo chè Thanh Chương
Đảo chè Thanh Chương gồm hàng chục đồi nhỏ được bao bọc bởi đập nước Cầu Cau nằm trải dài qua 2 xã Thanh Thịnh và Thanh An thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An).
Để tới đảo chè, khách mất ̀ 10 - 15 phút ngồi thuyền máy với giá 100 - 150 nghìn/ thuyền dành cho 4 khách. Du khách như lạc vào một không gian thấm đẫm màu xanh tươi mát giữa miền Tây xứ Nghệ.
Tham quan đảo chè Thanh Chương thật sự mang đến cho du khách nhiều cảm xúc khó tả, nhất là lúc ngồi trên thuyền đi giữa hồ nước mênh mông len qua những ốc đảo chè xanh ngát.
Từ đảo nhìn xuống, du khách sẽ thấy những con thuyền lượn lờ quanh “ốc đảo”. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, chẳng khác gì lời ngợi ca “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…”.
Với diện tích mỗi đảo khoảng từ 1 đến 5ha, những đồi chè Thanh Chương đã và đang trở thành điểm đến có sức hút lạ thường đối với các bạn trẻ. Rất nhiều người đã tìm về với sự tò mò thú vị chỉ để được chiêm ngưỡng màu xanh quyến rũ của những đồi chè hay đơn giản muốn tận hưởng không khí trong lành, nơi chỉ có màu xanh của lá, nước và mây trời.
Đảo chè Thanh Chương còn là nơi lưu giữ kỷ niệm thăng hoa với những xúc cảm nồng cháy được thể hiện qua từng thước ảnh đẹp lung linh. Chính trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ cảm nhận được tình yêu tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống như sắc màu của những búp chè.
Hiện nay, trên các đảo chè, huyện Thanh Chương đã cho thí điểm triển khai Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Du khách có thể ở lại các homestay trên đảo chè, tham gia hái chè, sơ chế chè với nông dân, hóa thân thành những sơn nữ hay công nhân hái chè cùng chiếc giỏ mang trên lưng nhìn rất thật và lạ mắt. Đây cũng là cách giúp du khách ghi lại những kỷ niệm trên đồi chè theo cách ấn tượng và độc đáo nhất.
Khách du lịch nước ngoài thích thú tham gia hái chè tại Đảo chè Thanh Chương
Huyện Thanh Chương hiện có trên 4.780 ha chè. Đến nay, đã có 2.015ha được tưới bằng hệ thống tưới phun mưa. Nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, xây dựng hồ đập nhỏ để chống hạn, đảm bảo năng suất và chất lượng chè.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Nghệ An, hầu hết nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến thì có tới 70% giống chè của Nghệ An chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Việc sản xuất manh mún cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài để ổn định đầu ra, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đang triển khai kế hoạch cơ cấu lại vùng chè, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng. Đồng thời, mở rộng diện tích chè sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP để cạnh xuất khẩu chè ra thế giới. Ngoài ra, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, đầu tư chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác từ chè xanh như trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc…
“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”