Xã Nghi Lâm phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao từ huy động sức dân
Nhiều giải pháp được đặt ra trong xây dựng NTM nâng cao
Là xã nằm ở phía Tây, cách trung tâm huyện Nghi Lộc chừng 15km, Nghi Lâm không có nhiều lợi thế để phát triển như ở các địa phương khác nhưng cái được nhất vẫn là con người Nghi Lâm đồng lòng, chung sức và Đảng bộ song hành. Chính sự nhập cuộc song song từ 2 yếu tố có tính chất quyết định mà địa phương này tạo nên điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của huyện.
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhất là tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, Nghi Lâm đã sớm cán đích NTM và lộ trình đạt chuẩn nâng cao chỉ còn 2 tiêu chí gồm tiêu chí giao thông và giáo dục.
Qua rà soát các tiêu chí theo Quyết định 1563 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành các tiêu chí NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì xã Nghi Lâm đã đạt 17/19 tiêu chí ; 70/75 nội dung.
Để đạt được những thành quả đó, Đảng bộ Nghi Lâm đã có nhiều giải pháp được bàn bạc, thống nhất và đưa ra hành động, nhất là với 2 tiêu chí đang trên đà hoàn thiện. Cụ thể như, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trước mắt tập trung cao thực hiện một số cơ sở như đầu tư xây dựng khuôn viên, nhà đa năng và các công trình phụ trợ khác của trường mầm non, tiểu học, THCS,…; Duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn các trục đường liên xã, liên xóm gồm: Tuyến đường từ cổng chào đến cầu Làng Trung, từ quốc lộ 48E Cổng Eo đi cầu Làng Trung; Bổ sung hệ thống biển báo giao thông, gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt, mất an toàn giao thông trên địa bàn xã; Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Công đoàn và các đoàn thể xã trồng hoa, cây xanh chăm sóc và chịu trách nhiệm quản lý từng tuyến đường mình phụ trách, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tham gia; đồng thời, tiếp tục huy động sức dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng, nâng cấp hệ thống đường bê tông nội đồng, xây dựng và mua sắm các thiết chế văn hóa, dụng cụ thể thao ngoài trời, mở rộng, tu sửa khuôn viên Nhà Văn hóa.
Song song với đó là kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư kết hợp với việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ nguồn phòng chống thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu của Trung ương, tỉnh để đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với công trình xây dựng NTM nâng cao.
“Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng NTM, Đảng bộ xã đã thực sự quyết tâm, quyết liệt trong tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong toàn xã. Cùng với đó là biết lựa chọn hướng đi phù hợp, cách làm sáng tạo, thiết thực với tình hình của địa phương, biết dựa vào dân, biết tập hợp tinh thần đoàn kết, biết khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, nhân dân” – ông Đồng Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm chia sẻ.
Chung sức, chung lòng xây dựng mới 9/12 Nhà Văn hóa
Nghi Lâm cơ bản vẫn là xã thuần nông nghiệp, kinh tế phát triển chưa mạnh, quy mô kinh tế còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn chưa cao... Đây là những khó khăn đang ảnh hưởng đến quá trình xây dựng NTM nâng cao của địa phương.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 24 ngày 23/9/2021 của BCH Đảng bộ xã về việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã Nghi Lâm giai đoạn 2021-2023 đã thể hiện được tinh thần xây dựng “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phát triển kinh tế, xã hội bền vững” tạo nên diện mạo nông thôn mới đẹp, văn minh đã thấy được nỗ lực cao của Đảng bộ và nhân dân. Rõ nét nhất là tinh thần hợp lực, chung sức tạo thành một khối cùng quyết tâm hoàn thiện các nhà văn hóa thôn từ sức dân là chính.
Toàn xã Nghi Lâm có 9/12 nhà văn hóa xây mới, 3 nhà văn hóa tu sửa, nâng cấp với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là hệ thống nhà văn hóa của xã đều do chính sức dân đóng góp, ngày công lao động mà nên. Để làm được điều này, đầu tiên UBND xã đặt ra mục tiêu xây mới những nhà văn hóa không thể tôn tạo, tổ chức nhiều cuộc họp để bàn và vận động nhân dân hưởng ứng đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng, ban chỉ đạo xã phải về họp với từng tổ tự quản để lấy ý kiến. Mặc dù bước đầu cũng có nhiều khó khăn nhưng sau khi người dân hiểu thì đồng tình và hưởng ứng.
Nhằm động viên tinh thần các xóm xây dựng nhà văn hóa, UBND xã đã có cơ chế hỗ trợ 250 triệu đồng trên một nhà văn hóa xóm xây mới đạt chuẩn. Đồng thời, cử cán bộ xuống cùng làm với người dân các xóm và hình thành nên một số quy chế khen thưởng mới áp dụng trong năm 2023 như: Những xóm xây dựng khuôn viên và mua sắm thiết chế văn hóa đạt chuẩn hỗ trợ 50 triệu đồng/xóm; Những xóm chỉ mua sắm hoàn thiện thiết chế văn hóa đạt chuẩn thì UBND xã hỗ trợ 20 triệu đồng/ xóm; thưởng cho các xóm về phong trào xây dựng NTM nâng cao: Tốp 1 thưởng 60 triệu đồng/xóm, tốp 2 là 30 triệu đồng, tốp 3 là 20 triệu đồng và tốp 4 được thưởng 10 triệu đồng.
Cùng góp sức vào hoàn thiện các tiêu chí để thôn đạt chuẩn, người dân xóm 4 cho biết: Mới ban đầu nghe nói mỗi người dân trong thôn phải đóng góp để xây dựng mới nhà văn hóa, nghĩ đến phải đóng nhiều nên ai cũng ái ngại và có chút không muốn thực hiện nhưng sau khi xóm kế cạnh khởi công làm và người dân trong xóm ai cũng bảo nhau làm. Như một sự thôi thúc, cả xóm đồng tình và trở thành phong trào “nhà nhà, người người cùng nỗ lực” để hoàn thiện nhà văn hóa và một số hạng mục khác.