Ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu vượt qua một năm sóng gió
Khó chồng khó
Vừa về bờ sau chuyến ra khơi dài ngày, ông Trần Văn Lộc, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc không khỏi buồn bã khi sản lượng đánh bắt ít, nay giá xăng dầu lại tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc chủ tàu phải gánh thêm chi phí, đã khó lại càng khó. Ông Lộc cho hay, gần 20 năm hành nghề, chưa năm nào nghề biển lại khó khăn như năm nay.
Theo tính toán của ông Lộc, so với trước khi xảy ra dịch bệnh, hiện chi phí mỗi chuyến biển của tàu ông Lộc tăng thêm 100-120 triệu đồng, do giá xăng dầu, chi phí nhu yếu phẩm tăng cao, trong khi đó hải sản ngày càng mất giá.
“Trước đây khi dịch bệnh chưa xảy ra thì 1 kg mực từ 180.000 – 200.000 đồng, giờ thì xuống còn từ 100.000 – 110.000 đồng/kg, còn cá cũng vậy hồi trước vào bờ bán từ 20.000 – 30.000 đồng/kg giờ thì rớt thê thảm từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Tính tiền dầu không tăng thêm 100 triệu đồng, tính ra chi phí cho 1 chuyến biển tăng từ 100-120 triệu đồng nên đi biển năm nay không có ăn”, ông Lộc than thở.
Cùng cảnh khó với ông Lộc, ông Nguyễn Văn Tám, chủ phương tiện hành nghề lưới kéo ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ chia sẻ, đây là chuyến biển cuối cùng trong năm cũ, những hy vọng được mùa cá tôm xem như thất bại. Mọi chi phí tăng cao mà nguồn lợi mang về không nhiều, chuyến biển này với ông Tám xem như hoà vốn. Thêm vào đó, chủ tàu bây giờ phải xem lao động đi biển (bạn ghe) như “con cưng”. Mỗi phiên mở biển, không biết có đánh được hay không, nhưng mỗi bạn ghe phải được ứng trước từ 4 - 5 triệu đồng. Mỗi lần mở biển chủ tàu không dám nói nặng, sợ bạn “giận” không xuống tàu lại thiếu người, không ra khơi được.
“Đánh không được thì bạn ghe không đủ, vì nghề mình không đủ sống thì người ta kiếm nghề khác. Vì chuyến biển gần 20 ngày về chia cho bạn 3-4 triệu đồng, người ta không đủ sống. Trước đây 1 chuyến biển thì 15-16 bạn thuyền, nay chỉ kiếm được 11-12 người cũng phải cố gắng ra khơi, không được nữa thì tính chuyện khác làm”, ông Nguyễn Văn Tám cho hay.
Thay đổi cách làm
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu, hiện địa phương có 5.771 tàu cá, trong đó có 2.867 tàu đánh bắt xa bờ. Khai thác hải sản hàng năm vẫn đóng góp nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao, thiếu lao động đi biển, nguồn lợi thủy sản suy giảm… khiến hàng ngàn chủ phương tiện thua lỗ. Ước tính có khoảng 1/3 tàu cá khai thác xa bờ hiện không ra khơi hoặc có số ngày đi biển ít hơn thường lệ.
Trước đây, tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu đã khuyến cáo ngư dân nếu nghề đánh bắt kém hiệu quả thì nên chuyển sang nghề khác. Do vậy, tỉnh cũng cần hỗ trợ ngư dân tổ chức lại sản sản xuất, giảm lượng tàu thuyền và cường lực khai thác đánh bắt xuống, nhất là đối với nghề lưới kéo.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành khai thác thủy sản, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu cá còn 5.000 chiếc (tổng công suất 1.000.000CV), giảm dần số tàu nhỏ ven bờ, những nghề khai thác hủy diệt, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển đội tàu dịch vụ đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ để hỗ trợ ngư dân trong việc giữ chất lượng thủy hải sản và giúp tàu đánh bắt giảm chi phí vươn khơi, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
“Mục tiêu của đội tàu dịch vụ đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ là nhanh chóng, kịp thời, giúp sản phẩm đánh bắt được nâng được giá trị bảo quản lên, không phải bảo quản dài ngày. Tiết kiệm chi phí, là thay vì đội tàu đánh bắt phải quay về bờ thì họ có thể trụ lại trên biển để tàu dịch vụ 67 ra tiếp tế dầu, nhu yếu phẩm cần thiết để họ có thể tiếp tục sản xuất và mang sản phẩm về bờ để nâng cao giá trị”, ông Trần Văn Cường cho biết thêm.
Tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu đang tính đến từng bước chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền và lao động nghề cá, hạn chế và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác hủy diệt, nghề khai thác kém hiệu quả. Đối với ngư dân đánh bắt ven bờ sẽ chuyển đổi sang các ngành nghề thích hợp khác, phân cấp quản lý cho địa phương, gắn với việc phát triển kinh tế tập thể trong các cộng đồng ngư dân. Hình thành tổ, đội hợp tác khai thác trên vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ hiệu quả, an toàn cũng được tổ chức sắp xếp lại./.
Theo VOV