Thị trường

Nhiều địa phương triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường trước Tết Giáp Thìn 2024

Minh Tú - 07:51 05/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - mùa cao điểm mua sắm trong năm. Dự báo trong thời gian tới, giá cả nhóm các hàng hóa thiết yếu, nhóm năng lượng có xu hướng tăng... Do đó, nhiều địa phương đã chủ động tiến hành nhiều giải pháp thực tế để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Thành phố Hồ Chí Minh

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã giao Sở chủ trì và triển khai việc chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm. Theo đó, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản,…

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết.

Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu. Sở đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường

Hà Nam

Sở Công thương đã đôn đốc, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, trong đó tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan thiếu hàng hóa, mất cân đối cung - cầu trong mùa mua sắm cao điểm Tết.

Theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương xây dựng kế hoạch khảo sát, làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, thực hiện chương trình kết nối cung - cầu; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất những mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc phát triển điểm bán hàng Việt tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại.

Tiền Giang

Thực hiện Kế hoạch 497 của UBND tỉnh, ngành Công Thương tỉnh Tiền Giang đã triển khai dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Việc này nhằm góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Trước khi trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã trao đổi với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, công ty lương thực, hợp tác xã thương mại dịch vụ xây dựng kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng Tết (ưu tiên dự trữ, cung ứng hàng Việt).

Đến nay, nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã và đang được các doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác xã chuẩn bị theo kế hoạch, với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ gần 554 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng.

Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu được 8 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gồm: 801 tấn gạo các loại; 677 tấn đường cát các loại; hơn 1,35 triệu lít dầu ăn các loại; hơn 964 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; 46,5 tấn thịt gia súc và 44,5 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt…

Tổng giá trị hàng hóa Tiền Giang dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gần 554 tỷ đồng

Bình Dương

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương  - Phan Thị Khánh Duyên cho biết, sở đã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết và cả năm 2024, bao gồm 5 nhóm hàng hóa: lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…) và thực phẩm chế biến (giò lụa, lạp xưởng, xúc xích....); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh); trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng.

Ở các địa phương khác như thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh,… cũng đã có kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm thông qua vận động doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác