Đồng Nai phát triển nông nghiệp bền vững (bài 3): Nhiều nông dân thành tỷ phú nhờ ứng dụng công nghệ cao
Tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao
Ông Nguyễn Trường Đại ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) nuôi tôm từ năm 2009. Ban đầu, ông cải tạo ruộng lúa nuôi tôm theo kiểu truyền thống, tôm thường xuyên bị bệnh, tỷ lệ hao hụt nhiều. Với diện tích 1,5ha, mỗi vụ (4 tháng), ông chỉ thu về khoảng 30 triệu đồng, không khá hơn làm lúa là bao.
Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện, ông tham gia các lớp học tập rồi chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Hiệu quả kinh tế từng bước được cải thiện.
Nam 2014, từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Đại mạnh dạn mở rộng ao nuôi lên 4ha, và chuyên tâm phát triển mô hình công nghệ cao CPF-Combine Model. Với mô hình này, nguồn nước được xử lý sạch, cân bằng độ mặn trước khi thả con giống.
“Nhờ vậy, tôm có môi trường an toàn để phát triển, tỷ lệ hao hụt thấp. Nông dân cũng bớt hồi hộp trước mỗi đợt nước lên, xuống bất thường hoặc độ mặn tăng cao”, ông Đại nói.
Ông Nguyễn Trường Đại kiểm tra sức khỏe của tôm nuôi bằng công nghệ cao. Ảnh: Nha Mẫn
Nhờ nuôi tôm CNC, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 40 tấn/ha. Theo mức giá bình quân 130.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, ông Đại thu lời khoảng 1,5-1,6 tỷ/năm, cao hơn nhiều so với làm lúa và các mô hình nuôi tôm trước đó.
Hiện tổ hợp tác nuôi tôm do ông làm tổ trưởng có 4 hộ, đã được Chi cục Thủy sản công nhận vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Đại, để nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao cần phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, và sản xuất theo chuỗi liên kết.
Quan trọng hơn nữa, ông áp dụng "5 không" trong nuôi tôm: Không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp và không xả thải nước ô nhiễm ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết, toàn huyện có gần 2.000ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó diện tích nuôi tôm chiếm hơn 90%. Để phát triển vùng nuôi thủy sản quy mô lớn, huyện đã kết nối, triển khai mô hình ứng dụng mô hình công nghệ và ông Đại là một trong những nông dân tiên phong thực hiện.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi, cũng như vận động xây dựng chuỗi liên kết để ngành nuôi trồng thủy sán phát triển bền vững.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển NNCNC
Phát triển NNCNC là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng CNC. Nhưng đến nay, chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng CNC, vượt chỉ tiêu đề ra. Các mô hình ứng dụng CNC đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường gấp từ 2-3 lần.
Điểm nổi bật trong phát triển NNCNC của Đồng Nai là không áp dụng rập khuôn mà có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Vòng Ty Sáng, nông dân người Việt gốc Hoa tại xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) chỉ có khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp nhưng vẫn có thu nhập tốt với mô hình nuôi dê thịt và trồng hoa.
Ông Sáng đã áp dụng thành công cách ủ chua dây đậu phộng, cây bắp sinh khối làm thức ăn cho dê. Kỹ thuật ủ cỏ chăn nuôi dê của ông đã đoạt giải nhì của Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2022 do Sở KHCN tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thời gian qua, các địa phương đều quan tâm quy hoạch các vùng NNCNC. Đây là cơ sở quan trọng để kếu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiệt kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất.
Tôm nuôi bằng quy trình ứng dụng công nghệ cao.
Bởi vì, ngoài công nghệ, kỹ thuật, phát triển NNCNC cần nguồn vốn lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống, cho đến đào tạo nhân lực và tiêu thụ sản phẩm.
“Sở NNPTNT sẽ huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến, phục vụ cho xuất khẩu”, ông Thắng nói.