Những điểm mới của Luật Căn cước
Luật Căn cước có nhiều điểm mới, và một trong những điểm mới đó là:
Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước
Bên cạnh việc sửa từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước còn đổi thẻ Căn cước công dân (CCCD) thành thẻ Căn cước. Cụ thể là:
+ Khoản 1, Điều 3, Luật Căn cước công dân định nghĩa: “1. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”
+ Còn theo khoản 1 và khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa như sau:
1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.
9. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Đây là điểm mới quan trọng nhất của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người gồm:Ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh; Quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng... (Khoản 1, Điều 18, Luật Căn cước)
Vậy người dân có phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không, thưa Tiến sĩ?
Điều 46 Luật Căn cước nêu rõ: Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu.
Luật Căn cước hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân số 592014/QH13, bởi vậy:
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ.
- Người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.
Nhiều người vẫn có Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng, vậy họ có được sử dụng tiếp không?
Khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước quy định: “2. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.”
Như vậy, mọi Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng.
Đây là một trong những thay đổi quan trọng so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Theo đó khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: Chứng minh nhân dân đã cấp vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn 15 năm hoặc khi công dân yêu cầu đổi sang thẻ Căn cước công dân. Còn theo quy định mới, mọi Chứng minh nhân dân đều phải thực hiện việc đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025.
Được biết quy định mới sẽ bỏ một số thông tin ghi trên thẻ Căn cước, cụ thể bỏ thông tin gì?
Trong khi Khoản 1 Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định nội dung trên thể hiện trên thẻ Căn cước công dân, có mục: Quê quán; nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ. Thì Khoản 1, Điều 18, Luật Căn cước quy định nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước ““gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ” đã bỏ mục quê quán thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh; bỏ nơi thường trú thay vào đó là nơi cư trú; bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng.
Đối tượng được cấp thẻ Căn cước có thay đổi gì không?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 19, Luật Căn cước công dân thì hiện nay chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Còn tại Điều 19, Luật Căn cước quy định:
“1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.”
Như vậy, theo quy định mới, người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.
Đối với người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch thì cơ quan nhà nước có cấp giấy tờ gì để chứng minh nhân thân của họ không?
Khoản 1, Điều 30. Luật Căn cước quy định: “1. Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã từ 06 tháng trở lên.”.
Khoản 10, Điều 3, Luật căn cước định nghĩa: “10. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.”
Như vậy, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên được cấp Giấy chứng nhận căn cước. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định tại Luật Căn cước công dân.
Bên cạnh quy định trên, Điều 30. Luật Căn cước còn quy định: Nội dung thể hiện trên Giấy chứng nhận căn cước (Giấy CNCC); nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận căn cước; giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước...
Một trong những nội dung mà nhiều người dân rất tâm đắc là Căn cước điện tử, vậy Luật Căn cước quy định thế nào?
Một trong những điểm mới của Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Điều 31 Luật Căn cước quy định, “mỗi công dân chỉ có 01 Căn cước điện tử”. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Về thủ tục cấp thẻ Căn cước có gì khác so với Luật Căn cước công dân?
Việc cấp thẻ Căn cước được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước. Theo đó, Điều luật này quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi, trẻ dưới 06 tuổi, trẻ từ 06 - dưới 14 tuổi, người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Theo quy định trên thì chỉ có trường hợp trẻ dưới 06 tuổi mới không lấy thông tin sinh trắc học là mống mắt; các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện lấy thông tin này.
Trên thực tế có nhiều trường hợp như: Sát nhập xã, phường… thì thông tin trên thẻ Căn cước của người có căn cước không còn phù hợp. Vậy Luật Căn cước có quy định bổ sung các trường hợp phải đổi thẻ Căn cước?
Khoản 1, Điều 24, Luật Căn cước quy định việc cấp đổi thẻ Căn cước So với Luật Căn cước công dân, Luật Căn cước bổ đã bổ sung thêm một số trường hợp phải cấp đổi thẻ Căn cước là: Khi công dân đủ 14 tuổi; khi thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính; khi thay đổi nhân dạng.
Chúng ta đang thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính. Việc này có rút ngắn được thời gian cấp thẻ Căn cước?
Điều 26 Luật Căn cước quy định: “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong thời hạn 07 ngày làm việc.”
Trong khi đó, theo quy định tại Đều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014, quy định: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.
Cảm ơn Tiến sĩ!
Lê Chiên (thực hiện)
* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ