Nỗ lực góp phần nâng tầm thương hiệu chè xứ Tuyên
So với các sản phẩm chè nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Giang hay Lâm Đồng, thương hiệu chè của Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng, về chất lượng, chè Tuyên không hề thua kém so những sản phẩm chè nêu trên.
“Trà Ngọc Thúy cấp đông”- sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được làm từ nguyên liệu chính là búp chè xanh tiêu chuẩn một tôm hai lá. Để đảm bảo giữ được hương vị đặc trưng của chè, tất cả chè búp tươi đều được hái bằng tay và được chế biến rất công phu, khắt khe. Sản phẩm đã được tỉnh Tuyên Quang gắn 4 sao OCOP.
Duyên nợ với chè
Anh Nguyễn Công Sử (sinh năm 1977), Giám đốc HTX là “con nhà nòi” làm chè. Bố mẹ anh đều là nhân viên nhiều năm gắn bó với Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Vì vậy ngay từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với cây chè và quy trình làm chè. Đây cũng là lợi thế để anh nắm bắt được các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như nhận biết được thu hái như thế nào để được chè thơm ngon.
Anh Sử khởi nghiệp từ đầu những năm 2000, tuy nhiên phải đến năm 2011 anh mới bắt tay vào trồng chè đặc sản theo hướng an toàn. Năm 2017, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ra đời với 7 hội viên. HTX được thành lập với mong muốn chung tay hợp tác, liên kết cùng người dân khai thác, sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo ra sản phẩm chè hoàn thiện, tinh tế có tính chất sáng tạo và đột phá; Phát triển ổn định, bền vững và dài lâu nâng cao thu nhập cho các hộ dân, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Trong những năm tháng làm chè, anh Sử cũng có những kỷ niệm đáng nhớ. Đó là chuyện ở xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương người dân muốn phá bỏ vườn chè đặc sản vì không được giá. Nghe vậy anh về tận nơi vận động thuyết phục, cam kết sẽ thu mua giá 33.000 đồng/kg nếu người dân đảm bảo quy trình chăm sóc sạch, thu hái thủ công và phải 1 tôm 2 lá. Vì thế hơn 2 năm nay người dân ở vùng này không chỉ coi anh là đối tác làm ăn mà còn là người bạn. Họ luôn tin tưởng đồng hành cùng HTX trong chiến lược phát triển chè sạch đặc sản.
Không ngừng nỗ lực, HTX chè Sử Anh đã lớn dần. Khi mới thành lập, HTX có 10ha sử dụng 20 lao động. Đến nay đã có 30ha sử dụng trên 50 lao động tại địa phương; đồng thời đã chuyển đổi thay toàn bộ diện tích bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng như chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên, chè LDP1; sản lượng trung bình đạt 125 tấn nguyên liệu/năm. Toàn bộ diện tích chè được HTX áp dụng theo quy chuẩn VietGAP; người nông tham gia mô hình của HTX đều tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) trong trồng chè. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, tiếp cận và đầu tư công nghệ mới để tạo ra nhiều sản phẩm chè chất lượng có giá trị kinh tế cao để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2020, HTX đã có 7 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ hạng 3 sao đến 4 sao và các sản phẩm đã được bán, phân phối ổn định ở thị trường các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khác
Cụ thể, năm 2019, HTX mở rộng quy mô diện tích, vùng nguyên liệu, theo mô hình liên kết với hình thức sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích trên 60ha. Năm 2020, HTX tổ chức tập huấn và hướng dẫn thực hiện quy trình canh tác, hỗ trợ bà con vật tư, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, chứng nhận VietGap trên diện tích 22ha. Năm 2021, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất chuyển đổi theo hướng hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo môi trường trên địa bàn các huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.
Quy trình làm chè cấp đông khắt khe, nghiêm ngặt
Theo lời kể của anh Sử, quy trình làm chè cấp đông rất khắt khe và nghiêm ngặt. Sau khi thu hái, lá chè chỉ để được khoảng 1tiếng rưỡi là phải nhanh chóng đưa lá chè qua công đoạn xử lý như làm héo chè, diệt men, vò săn, ướp lạnh, đóng gói, ủ và lên men.
“Trong quy trình trên, ướp lạnh là công đoạn quan trọng nhất nhằm giữ các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe có trong búp chè tươi (80%) như: axít amin, vitamin, chất khoáng, hydrotcarbon, protein và lipid… Khi pha 10 gram trà thành phẩm với 150 ml nước sôi ở nhiệt độ 85 độ C đến 95 độ C nước trà có màu vàng, vị ngọt hậu, mùi hương thơm đặc trưng. Sản phẩm hoàn thiện tiêu thụ bảo quản trong môi trường lạnh âm độ thời gian sử dụng được trên 36 tháng kể từ ngày sản xuất”, anh Sử thông tin.
Đặc biệt, hiện nay HTX có sản phẩm “Trà Ngọc Thuý cấp đông” nguyên liệu chế biến thành sản phẩm trà được chăm sóc theo quy trình VietGap đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Trà được thu hái thời gian từ 6h đến 9h sáng và chiều 15h30 đến 18h30 (đây là thời gian cho chất lượng chè cao nhất trong ngày) theo quy trình thủ công truyền thống, tiêu chuẩn một tôm hai lá và được bổ sung dưỡng chất trong quá trình chăm sóc.
Đặc sản chè Ngọc Thúy có nguồn gốc từ Đài Loan, mang hương vị thơm ngon, vị tựa như trà ô long nên sau khi đưa ra thị trường nhận được sự quan tâm đông đảo của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tuy giống với trà Ô long, nhưng tại HTX chè Sử Anh, giống chè này được sản xuất theo hướng trà mạn. Đây cũng là điểm độc đáo, riêng biệt của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh .
Giống chè sản xuất từ Đài Loan này mang lại nhiều công dụng cho người sử dụng như giảm stress, tăng cường sức đề kháng, chống cảm mạo, giảm nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch, tiểu đường...
Nhờ sự nỗ lực và phát triển không ngừng HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã vinh dự nhận được các thành tích tiêu biểu như Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành tích liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, tích cực tham gia vào chương trình sản phẩm OCOP năm 2021; và nhiều bằng khen của tỉnh về chè, về hàng Việt Nam chất lượng cao… Bản thân anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là "Nhà Khoa học của Nhà nông" năm 2022;
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã và đang được thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định đón nhận. HTX chè Sử Anh là điểm sáng trong chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Từ cách làm của HTX sẽ giúp nâng cao ý thức làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp có nguồn gốc của người nông dân và các tổ chức, cá nhân.