Nông dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mạnh dạn vay vốn chuyển đổi nghề
Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình ở vùng nông thôn tỉnh Bình Định lâm cảnh khó khăn. Từ chỗ có việc làm, thu nhập ổn định, dịch Covid-19 khiến mọi thứ đảo lộn, nhiều người mất thu nhập. Trong đó, không ít lao động từng làm việc ở các tỉnh phía Nam, hiện đã về quê sinh sống nhưng thất nghiệp....
Trước thực tế này, UBND tỉnh Bình Định thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các gói cho vay vốn chuyển đổi nghề hỗ trợ hàng trăm lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với quê nhà.
Sau Tết, thời tiết tốt, ông Đặng Văn Hiếu, ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định tất bật với việc chăm 3 con bò, vừa đi cày thuê rồi xoay xở với 1 ha đậu phộng xanh mướt ngoài ruộng. Cuộc sống bận rộn, vất vả hơn, nhưng thu nhập gia đình ông Hiếu dần ổn định, trong nhà vang tiếng cười.
Trước đây, ông Đặng Văn Hiếu lái xe tải chở hàng cho 1 doanh nghiệp. Một mình ông "gánh" cả gia đình với đồng lương vỏn vẹn 6 triệu đồng. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ông phải nghỉ lái xe, vợ phát bệnh, con còn nhỏ dại nên cuộc sống gia đình ông càng khó khăn, thiếu trước hụt sau.
Trong lúc khó khăn, ông Đặng Văn Hiếu làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ ngân hàng mua 2 con bò và 1 máy cày cũ để làm ruộng. Giờ đây, bò cái đã đẻ thêm 1 bê con, hơn 1 ha đậu phộng và 7 sào lúa đã mang lại cho gia đình ông cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Dạ Thảo ở thị trán Ngô Mây, huyện Phù Cát cũng vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhờ vay vốn từ ngân hàng. Trước khi chưa bùng phát dịch Covid-19, vợ chồng chị Thảo đi làm ở TP.HCM. Chị Thảo hết làm nhân viên giữ trẻ rồi đến mở quán nhậu. Làm ăn khó khăn, dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng chị quyết định về quê.
Chị Thảo làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chuyển đổi nghề ở Ngân hàng chính sách xã hội, rồi vay mượn thêm đầu tư dây chuyền làm bún, hủ tiếu tự động. Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay, mỗi ngày cơ sở của chị Thảo sản xuất 3 tạ bún, thu nhập 1 triệu đồng/ngày.
Chị Huỳnh Thị Dạ Thảo cho biết, nguồn vốn vay tuy không nhiều nhưng lãi suất thấp, thời gian vay dài giúp gia đình chị cơ hội chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
“Thời gian vay vốn lâu, lãi suất thấp khiến tôi đỡ lo hơn. Sản xuất thì tạm ổn rồi nhưng mình còn phụ thuộc vào thời tiết, nên tôi mong muốn là mình có 1 máy sấy nữa. Nếu mà được chắc cũng sẽ vay thêm để đầu tư tiếp, đến khi nào thấy ổn thì mới dừng vay" - chị Thảo chia sẻ.
Năm ngoái, gần 38.000 lượt khách hàng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách ở tỉnh Bình Định được vay vốn, với tổng dư nợ gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, gần 550 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề do ảnh hưởng Covid-19./.
Theo VOV