Học hỏi làm giàu

Nông dân Chà Nưa liên kết trồng bí xanh cho thu nhập ổn định

Toàn Trung - 12:05 06/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhận thấy mô hình trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, nhiều nông dân ở xã Chà Nưa huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã thay đổi tư duy, cùng nhau liên kết trồng bí xanh để đảm bảo số lượng cung cấp cho doanh nghiệp.

Nông dân phấn khởi khi trồng bí xanh bán được giá 

Ông Poòng Văn Sám ở Bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ là một trong những thành viên được tham gia lớp tập huấn trồng bí xanh và được đi tham quan các mô hình ở địa phương khác do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Sau khoá tập huấn ông Poòng Văn Sám đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 4.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng bí xanh.

Ông Poòng Văn Sám chia sẻ: “Sau khi trồng được hơn 1 tháng, thấy cây bói quả gia đình tôi rất vui và phấn khởi, cảm thấy trồng bí xanh hiệu quả hơn trồng lúa. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, vườn bí đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng gần 2,5 tấn quả. Trồng bí cho hiệu quả cao nên sắp tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng để nâng cao thu nhập”.

Ông Poòng Văn Sám thu hoạch lứa bí xanh đầu tiên.

Ông Khoàng Văn Dương (bản Pa Có) - một thành viên khác cho hay: Mô hình trồng bí xanh canh tác trong thời gian ngắn, chỉ sau 62 ngày là cho thu hoạch và lại cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Ngoài ra, bà con dân bản còn học hỏi kinh nghiệm và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch. Từ thực tế đó đã khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng bí xanh. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, chúng tôi cũng phải lựa chọn vùng trồng sao cho phù hợp với các điều kiện trồng và chăm sóc. Ðồng thời phải là vùng tập trung để dễ dàng áp dụng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của đơn vị liên kết đặt ra chứ không thể trồng ngoài vùng kiểm soát được. Có đảm bảo các yêu cầu như vậy, sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn và đơn vị thu mua mới bao tiêu, thu mua cho bà con…

Hiện bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) có 14 hộ dân đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả trên cánh đồng Na Vai sang trồng cây bí xanh với diện tích 1,2ha. Sau 6 tháng canh tác và sản xuất, người dân bản Pa Có đã thu hoạch trên 97 tấn bí xanh, cho thu nhập hơn 410 triệu đồng. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, trồng bí xanh cho thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích đã mang lại niềm vui cho người trồng. 

Mở rộng diện tích trồng bí xanh

Đầu tháng 1/2023, mô hình trồng bí xanh tại xã Chà Nưa được triển khai trồng thử nghiệm theo hình thức liên kết giữa người dân với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Ðến nay, toàn xã có 5 vườn với 37 hộ gia đình tham gia trồng bí xanh với tổng diện tích 3,45ha tại các bản: Cấu, Nà Ín, Pá Có và Nà Cang.

Cây bí sau 62 ngày trồng và chăm sóc đã cho hiệu quả kinh tế, với năng suất bình quân đạt trên 88,99 tấn/ha, tổng sản lượng 306,14 tấn. Có được kết quả này chính là nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. 

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: “Để có mô hình bí xanh như ngày hôm nay thì đảng ủy xã đã họp thống nhất và tuyên truyền cho bà con hiểu về mô hình. Đồng thời tổ chức để đưa những hộ dân muốn tham gia đi tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng bí xanh khác. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm trước, từ đó bà con nhìn thấy mới có niềm tin làm theo”.

Nhiu h nông dân xã Chà Nưa, huyn Nm P, tnh Đin Biên chuyn đi din tích đt trng lúa kém hiu qu sang trng cây bí xanh cho giá tr kinh tế cao hơn.

Từ hiệu quả đạt được của vụ đầu, chính quyền xã dự kiến sẽ phát triển diện tích lên 7,7ha trong vụ bí xanh thứ 2. Tuy nhiên, do yêu cầu của phía đối tác thu mua đòi hỏi sản phẩm bí “sạch” nên chính quyền địa phương sẽ cân nhắc để lựa chọn các vùng trồng và phát triển các mô hình một cách phù hợp nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Khoàng Văn Van chia sẻ thêm: "Vụ trồng bí đầu tiên, người dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật áp dụng làm mô hình và các vườn trồng bí tạo điều kiện thuận lợi cho công tác theo dõi, chỉ đạo mô hình nên đã đem lại kết quả khá tích cực. Vì vậy, chúng tôi đang rà soát lại những bản chưa thực hiện mô hình mà thuận lợi về giao thông, thời tiết, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của đơn vị liên kết thì sẽ triển khai thực hiện mô hình này".

Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hà Ân, đại diện đơn vị liên kết cho biết: HTX là đại diện cho nhãn hàng cần nguyên liệu từ bí xanh nên sẽ đảm bảo nguồn tiêu thụ cho bà con. Trong chuỗi liên kết này HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bí xanh ở Chà Nưa giúp cho các hộ dân tham gia mô hình có thu nhập ổn định hơn so với trồng các loại cây trồng khác.

“Mô hình trồng bí xanh ở xã Chà Nưa nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng từ 60 tấn/ha trở lên, với giá bán từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng/kg tại ruộng, người dân thu nhập từ 250 triệu đồng/ha/vụ trở lên”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác